Cựu quan chức Mỹ thận trọng trước đề nghị gặp mặt của Triều Tiên

Lan Hương (Theo Washington Post/New York Times)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống George W.Bush, Triều Tiên đã nhất trí đóng băng chương trình hạt nhân nhưng sau đó phá vỡ cam kết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đồng ý gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 5, bước phát triển bất ngờ sau nhiều tháng “khẩu chiến” căng thẳng giữa 2 nhà lãnh đạo.
 
Theo cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chong Eui-young, ông Kim Jong-un đã cam kết ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, kể cả trong suốt cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vào tháng tới. Trước khi đến Washington, ông Chung Eui-young đã có cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên tại Bình Nhưỡng hồi đầu tuần.
Sau một năm tiến hành các thử tên lửa đạn đạo có khả năng vươn tới Mỹ và một vụ thử được cho là bom H, động thái này được Mỹ và thế giới hoan nghênh.
Thông tin này đã khiến giới lãnh đạo chính trị ở Washington và các nhà phân tích bất ngờ khi tháng trước vẫn còn lo ngại về khả năng một cuộc đụng độ quân sự ở bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên trong khi ôn Kim Jong-un đe dọa sẽ thả bom hạt nhân xuống Washington.
Hiện vẫn chưa có thông tin về địa điểm cuộc gặp sẽ diễn ra. Nhà Trắng xác nhận, Tổng thống Mỹ đã nhận lời mời của lãnh đạo Triều Tiên nhưng vẫn duy trì các lệnh trừng phạt.
Trước ông Trump, cựu Tổng thống Jimmy Carterr đã gặp nhà lãnh đạo Kim Il Sung và cựu Tổng thống Bill Clinton đã gặp ông Kim Jong Il nhưng đều sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Chưa có Tổng thống đương chức nào của Mỹ từng có cuộc gặp trực tiếp cũng như điện đàm với lãnh đạo Triều Tiên. Vì vậy, bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Trump và ông Kim Jong-un đều sẽ là sự kiện mang tính lịch sử. 
Nhưng việc nhận lời gặp mặt mà không có điều kiện cứng rắn nào của ông Trump được xem là mạo hiểm đáng kể.
Các cựu quan chức Mỹ vẫn cẩn trọng về các cam kết mà Bình Nhưỡng đưa ra bởi nước này cũng từng phá vỡ cam kết. Trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống George W.Bush, sau cuộc đàm phán với Mỹ và một vài quốc gia khác, Triều Tiên đã nhất trí đóng băng chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế. Sau đó, nước này đã tiến hành thử tên lửa, vi phạm thỏa thuận.
Danny Russel, người từng giữ chức Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực châu Á tại Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Obama lưu ý, Triều Tiên tìm kiếm các cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ nhằm được hợp pháp công nhận là cường quốc hạt nhân. “Thực tế, việc Triều Tiên tìm kiếm tính hợp pháp, cũng như sự xác nhận cam kết trực tiếp từ Tổng thống Mỹ không phải là mới. Điều này phù hợp với chiến lược theo đuổi sự công nhận với tư cách là một cường quốc hạt nhân của Bình Nhưỡng ”, ông Russel nói.
Theo một số nhà phân tích, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ quan tâm đến các cuộc đàm phán vì các biện pháp trừng phạt đã bắt đầu gây tổn thương và do Bình Nhưỡng lo ngại các cuộc tấn công quân đội Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng, ông Kim Jong-un đang cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Tháng 11 năm ngoái, ông Kim Jong-un tuyên bố ông đã "hoàn thành" chương trình tên lửa của mình và hiện đã sẵn sàng đối phó với Washington- trên cơ sở bình đẳng giữa 2 cường quốc hạt nhân.
Bà Wendy R. Sherman, cựu ngoại giao lâu năm, từng là một thành viên của phái đoàn Mỹ lịch sử tại Bình Nhưỡng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, sau đó đàm phán hiệp định hạt nhân của Iran với Tổng thống Barack Obama cho rằng, động thái ngoại giao là một điều tích cực nhưng cần phải được chuẩn bị. “Đây là một việc rất nghiêm túc, không phải là chương trình thực tế. Đó là vấn đề an ninh quốc gia đang bị đe dọa”, bà Sherman nói.