Cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương khai không có ai tác động xây dựng Quyết định số 13
Ngày 22/4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Hoàng Quốc Vượng - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng 11 bị cáo trong vụ án vi phạm tại Bộ Công Thương và một số tỉnh thành. Tại phiên tòa, bị cáo khai việc xây dựng dự thảo Quyết định số 13 mở rộng đối tượng được ưu đãi giá điện, song không vụ lợi.

Bị cáo Hoàng Quốc Vượng khai việc xây dựng dự thảo Quyết định số 13 mở rộng đối tượng được ưu đãi giá điện, song không vụ lợi.
Bị cáo Hoàng Quốc Vượng bị xét xử về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", liên quan đến việc chỉ đạo xây dựng dự thảo Quyết định số 13, dẫn đến mở rộng đối tượng được áp dụng hưởng giá điện ưu đãi. Điều này được xác định trái với Nghị quyết 115 của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán cho các nhà máy điện mặt trời với giá bị "đội lên", gây thiệt hại 1.043 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, tại cuộc họp ngày 2/4/2019, ông Vượng đã chỉ đạo Tổ soạn thảo sửa cụm từ "đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận" thành "đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp". Điều này dẫn đến mở rộng thêm dự án được hưởng giá điện ưu đãi.
Trình bày tại tòa bị cáo Vượng cho biết mấu chốt của vấn đề chính là từ "đã" trong cụm từ trên. Thời điểm Bộ Công Thương được giao chủ trì soạn thảo dự thảo Quyết định số 13, bị cáo đã không chú ý tới từ này.
Khi làm việc với cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng, bị cáo mới hiểu rõ. Bị cáo được cơ quan điều tra giải thích: Nghị quyết số 115 ghi "đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai", thì từ "đã" phải được hiểu là trước thời gian 31/8/2018 - ngày ban hành Nghị quyết 115.
Lý giải về vấn đề này, bị cáo đưa ra 2 lý do khiến bản thân không quan tâm đến chữ "đã" tại thời điểm đó. Trước hết là cụm từ "đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai", được xuất hiện, sao chép ở rất nhiều văn bản.
Đầu tiên tại văn bản đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận từ đầu năm 2018. Khi địa phương đề nghị Thủ tướng Chính phủ, riêng với Ninh Thuận có đặc thù khó khăn do dự án điện hạt nhân không được triển khai, nên xin được cho phép áp dụng cơ chế giá điện như quyết định cũ (Quyết định số 11) với các dự án đã triển khai trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đến, Văn phòng Chính phủ cũng dùng cụm từ "đã được Thủ tướng chấp thuận triển khai" để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Cụm từ này còn xuất hiện trong một số nghị quyết khác, trong đó có Nghị quyết số 115.
Bị cáo Vượng trả lời tại tòa rằng mục tiêu cuối cùng của nghị quyết là hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển 2.000MW điện mặt trời được hưởng giá điện ưu đãi đến hết 2020, nên bản thân đã suy nghĩ rằng cần xây dựng quy định hướng tới mục tiêu cuối cùng của Nghị quyết 115 đưa ra là "giảm thiểu thủ tục hành chính sau này".
Vì lý do đó, bị cáo đã cho chỉ đạo xây dựng dự thảo Quyết định số 13 mà không đề cập đến ngày tháng cụ thể nào. Bị cáo Vượng cũng nhiều lần khẳng định bản thân chỉ đạo xây dựng dự thảo trên tinh thần xây dựng, không vì vụ lợi, hay có cá nhân nào tác động, can thiệp.
Xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương
Kinhtedothi – Trong vụ án này, bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 1.463 tỷ đồng, đưa hối lộ 31.595.475.000 đồng. Bị cáo Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi 22.166.490.000 đồng và nhận hối lộ 13.851.000.000 đồng.

Vì sao cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng bị đề nghị truy tố?
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng; cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo Phương Hoàng Kim cùng nhiều bị can khác bị đề nghị truy tố liên quan đến sai phạm trong dự án điện mặt trời, gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng.

Xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Vượng và 11 bị cáo
Kinhtedothi - Sáng 21/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương, cùng nhiều người khác trong vụ án gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).