Đà bán tháo tăng mạnh cuối phiên, chứng khoán Mỹ rơi mức đỉnh lịch sử

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán giảm điểm dù đã có lúc gần chạm đến mức đỉnh mọi thời đại do nhà đầu tư bán tháo cuối phiên.

Chỉ số S&P 500 quay đầu đi xuống trong ngày 11/8, đứt mạch 7 phiên tăng liên tiếp, khi một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giảm mạnh hơn vào cuối phiên giao dịch. Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đã dao động mức cao mọi thời đại mới trước khi chứng kiến đợt bán tháo ở cuối phiên.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong ngày 11/8 dù đã tiến sát mức đỉnh lịch sử trong phiên.
Chốt phiên giao dịch, S&P 500 hạ 0,8% xuống 3.333,69, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 23/7. Chỉ số này có thời điểm trong phiên tăng 0,6% và chỉ còn cách 0.5% so với mức cao kỷ lục 3.393,52 điểm thiết lập vào ngày 19/2/2020.
Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 1,7% xuống 10.782,82 điểm. Chỉ số Dow Jones đã xóa sạch đà leo dốc hơn 300 điểm và đóng cửa giảm 104,53 điểm (tương đương 0,4%) xuống còn 27.686,91 điểm.
Cổ phiếu Facebook và Amazon đều hạ hơn 2% cùng với cổ phiếu Microsoft. Cổ phiếu Apple và Netflix lần lượt giảm 3,4% và 3%. Cổ phiếu Alphabet cũng mất 1,1%. Đà sụt giảm này đã lấn át đà tăng của các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
Cổ phiếu Gap đã tăng hơn 2% và cổ phiếu Norwegian Cruise Line nhảy vọt 3.4%. Cổ phiếu Wynn Resorts và Simon Property cũng đi lên trong phiên giao dịch.
Sự lạc quan về vaccine ngừa Covid-19 giúp thị trường Phố Wall tăng điểm khi vừa mở cửa. Cả S&P 500 và Dow Jones đều đi lên đầu phiên sau khi Tổng thống Vladimia Putin thông báo Nga đã có vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới.
Mặc dù vẫn có sự hoài nghi rằng liệu vaccine của Nga có an toàn hay không, thông tin tích cực trên đã thúc đẩy tâm lý lạc quan của giới đầu tư về cuộc chạy đua vaccine ngừa Covid-19.
Một giám đốc của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) nói với Reuters rằng công ty có thể sản xuất 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 nếu sản phẩm của hãng được chứng minh là an toàn và hiệu quả.
Chiến lược gia cổ phiếu Jeff Buchbinder tại LPL Financial nhận xét: “Nhà đầu tư đang kỳ vọng nhận được nhiều hơn thông tin khả quan liên quan đến vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới. Mặc dù chưa có thời điểm chắc chắn, nhưng thị trường chứng khoán đang đặt nhiều kỳ vọng rằng đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát bằng một loại vaccine - hoặc nhiều loại vaccine, cũng như với sự trợ giúp từ các phương pháp điều trị tốt hơn trong thời gian tới”.
Cuối tuần trước, Goldman Sachs đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ, dự đoán đến cuối năm nay sẽ có ít nhất 1 loại  vaccine ngừa Covid-19 được phê chuẩn và được phân phối rộng rãi vào quý II/2021.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ không giữ được đà tăng ở đầu phiên giao dịch do bình luận từ lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell. Hôm 11/8, ông Mitch McConnell cho biết các cuộc đàm phán với Đảng Dân chủ về gói hỗ trợ Covid-19 kế tiếp vẫn đang bế tắc.
"Khi thị trường tiến sát đỉnh lịch sử, mọi thông tin tiêu cực như vậy đều có thể gây ra biến động”- Mark Hackett, trưởng bộ phận nghiên cứu đầu tư của Nationwide, cho biết.
Giới đầu tư vẫn theo dõi sát sao số phận của gói kích thích kinh tế tiếp theo. Trước đó, ngày 10/8, Bộ trường Tài chính Steven Mnuchin nói rằng Nhà Trắng sẵn lòng tiếp tục đàm phán với Đảng Dân chủ và tăng thêm số tiền cứu trợ để hai bên có thể tiến đến thỏa thuận.
Nhà đầu tư từng kỳ vọng đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ thống nhất được về gói hỗ trợ tiếp theo cho hàng chục triệu người Mỹ thất nghiệp, trong bối cảnh đại dịch chưa thể sớm chấm dứt. Mỹ tuần trước ghi nhận hơn 5 triệu ca mắc Covid-19.
Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã ký 4 lệnh hành pháp nhằm kéo dài một số khoản hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bao gồm trợ cấp thất nghiệp bổ sung, miễn giảm thuế bảng lương, hoãn trả nợ sinh viên và gia hạn lệnh cấm trục xuất khỏi nhà ở./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần