Đa cấp bất động sản tái xuất

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian im lắng vì bị dư luận phanh phui những chiêu lừa đảo, gần đây, các “thánh nổ” bất động sản (BĐS) có dấu hiệu quay lại rầm rộ với nhiều biến tướng tinh vi.

Không còn lén lút hoạt động như trước, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thời điểm cuối tháng 12, các lớp học giàu có và thịnh vượng từ BĐS ngang nhiên công khai thu hút học viên.
Những mỹ từ quen thuộc “BĐS mang lại dòng tiền trường tồn” hay “Huy động vốn ngân hàng lãi suất 0 - 7% với số tiền 300 - 30 tỷ đồng” vẫn đang đủ sức lôi kéo hàng trăm người tham gia.
Vẫn chiêu trò cũ
Mỗi khóa học hoành tráng như: Công thức kiếm tiền tỷ tuyệt đỉnh từ BĐS; 9 bước thu trăm triệu đồng từ nhà cho thuê; Tự do tài chính bằng BĐS… vẻn vẹn 2 - 3 ngày, với mức học phí tiền triệu, thậm chí chục triệu đồng vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư. Bằng chứng là, các khóa học có dấu hiệu nhản nhản trở lại trên internet với nhiều lời mời chào hấp dẫn. Ghi nhận của phóng viên, lợi dụng lớp vỏ bọc của các tổ chức giáo dục trá hình liên kết với đơn vị phân phối sản phẩm BĐS, nhiều công ty đang lôi kéo hàng trăm người tham gia kinh doanh, kiếm lời theo mô hình đa cấp. Thậm chí nhiều công ty còn mời các nhà triệu phú, tỷ phú diễn giả “hàng đầu thế giới" về lĩnh vực địa ốc nhằm tạo sự khuếch trương.

Những sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng khi chào bán phải được “lướt sóng” ngay trong khóa học. Ảnh: Vân Hằng

Từ lời mời của nhân viên tên M. – tự nhận thuộc Công ty Big Group, phóng viên có mặt tại hội thảo “9 bước kiếm trăm triệu đồng từ nhà cho thuê” của diễn giả N.H. Vị diễn giả này cho biết, nhà cho thuê có 2 mô hình kinh doanh khác nhau là sở hữu – cho thuê và thuê – cho thuê lại. Hai mô hình này có tỷ suất lợi nhuận khá chênh lệch. Nếu sở hữu – cho thuê mang lại lợi nhuận trung bình 5 - 10%/năm thì mô hình thuê – cho thuê lại cho lợi nhuận từ 50 - 100%/năm. Để tăng sức thuyết phục cho quan điểm của mình, N.H lặp đi lặp lại nhiều lần những cụm từ “làm giàu không khó”, “kiếm tiền tỷ đồng trong tầm tay”. Theo quan sát của phóng viên, buổi thuyết trình không khác gì các buổi bán hàng đa cấp với màn chiếu phim, khoe của, giới thiệu, học viên khởi động nhằm đẩy sức nóng lên cao trào. Đồng thời phỏng vấn rầm rộ những “chim mồi” được khéo léo cài cắm để tung hô diễn giả như: “Không rõ những người khác cảm thấy ra sao nhưng với tôi, đây là những kiến thức rất tuyệt vời. Giờ đây tôi hoàn toàn tự tin trong lĩnh vực BĐS. Có lẽ từ nay về sau trong bất kỳ thương vụ đầu tư nào, tôi cũng sẽ không thất bại nữa. Tôi sẽ thành công…”.
Sau khi đã tạo được niềm tin với các học viên, các diễn giả thường nhanh chóng chuyển hướng qua thuyết phục đầu tư những sản phẩm BĐS do chính đơn vị họ đứng ra phân phối. Phần lớn các dự án được chào bán tại khóa học thuộc phân khúc biệt thự, du lịch và nghỉ dưỡng, tại khu vực Đà Nẵng, Vũng Tàu... Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này lại ở địa bàn chưa có hạ tầng và tiện ích đầy đủ, chủ đầu tư ít tiếng tăm. Dù vậy, với giá bán thấp, chỉ khoảng 40 - 50% những dự án quanh khu vực, lại cam kết lợi nhuận gấp đôi thị trường (trên 14%/năm)..., nên nhiều người tham gia khóa học vẫn tranh nhau xuống tiền. Thậm chí, nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các nhà đầu tư khác thì sẽ được chiết khấu ngay khoảng 6 - 7% giá trị sản phẩm.
Tỉnh táo trước “màn trình diễn”
“Giá sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng Oceanami Long Hải thường được các diễn giả đưa ra trong các khóa học thực chất là giá thỏa thuận giữa người bán và người mua, chứ không phải là giá trên thị trường. “Lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn”, người mua cuối cùng vì thế phải chịu giá cao gấp 5 - 6 lần giá thị trường, rất dễ trở thành quả bom BĐS. Do đó, đầu khóa học đăng ký mua thì đến gần cuối khóa phải lướt sóng ngay cho những học viên khác để ăn chênh” -  chị Mai, một môi giới sành sỏi cho biết.
Dẫn lời của chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân từng phân tích: “Việc lấy thông tin của cá nhân này hay cá nhân khác vào mục đích đánh bóng, quảng cáo hay PR cho một hình thức kinh doanh nào đó là biến tướng của hình thức đa cấp. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện các công ty đào tạo BĐS thực chất là sự tương tác giữa người thầy đã đi đào tạo với người tham gia các khóa học. Chính điều này xuất hiện tình trạng đánh bóng tên tuổi của người dạy, che lấp bằng hình ảnh thành đạt xuất hiện tình trạng “té nước theo mưa”. Các chuyên gia BĐS nhận định rằng, nếu kiếm tiền từ nhà đất dễ dàng như thế thì cả tỷ người đi học rồi. Trong thời điểm thị trường nhà đất vẫn đang “tranh tối - tranh sáng”, chiêu trò kiếm tiền theo kiểu đa cấp sẽ còn nhiều biến tướng. Các "thánh nổ" này đưa ra những mức hoa hồng và hứa hẹn ảo lôi kéo những nhà đầu tư thiếu chuyên nghiệp mua BĐS. Kéo theo việc mất niềm tin của cá nhân hay tổ chức khi “ôm” hàng không bán được. Sự mất niềm tin đó sẽ lan tỏa nhanh chóng và có thể gây khó khăn cho lĩnh vực BĐS.
“Đừng ảo tưởng, kinh doanh BĐS cần quá trình, kiến thức phải dựa trên sự tích lũy kiến thức của bản thân qua nhiều năm chứ không phải là bỏ ra vài triệu đồng để mua công thức trong 1 - 2 ngày rồi kiếm được tiền cả khi ngủ. Các nhà đầu tư vì thế cần có hiểu biết đầy đủ và rõ ràng, không nên vì lòng tham mà chấp nhận mạo hiểm, bởi, dưới góc độ luật pháp, người chịu thiệt chỉ có thể khởi kiện và đòi quyền lợi khi có đầy đủ bằng chứng về hành vi lừa đảo” - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Chuyên gia nhận định
Triệt các biến tướng đa cấp
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trên thị trường đang biến tướng trăm kiểu đa cấp. Phương thức kinh doanh đa cấp cũng được nhiều đơn vị áp dụng trong lĩnh vực bất động sản, phổ biến nhất là tổ chức các khóa học chia sẻ kỹ năng bán hàng. Tuy nhiên thực tế tại các khóa học này, diễn giả thường thuyết phục học viên tham gia đầu tư những sản phẩm do đơn vị này đứng ra phân phối hoặc triển khai, nếu các học viên giới thiệu, bán được hàng cho các nhà đầu tư khác thì sẽ được chiết khấu cao trên tổng giá trị sản phẩm. Những "lớp học" trên rất cần được các cơ quan chức năng chú ý bởi nguy cơ gây bất ổn tiềm ẩn. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg, về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp như một động thái kịp thời. Theo đó, lực lượng nghiệp vụ công an các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật... trên phạm vi cả nước, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Về phía các nhà đầu tư bất động sản, đừng mơ tưởng những lời quảng cáo về mức thu nhập rất hấp dẫn mà rơi vào mê hồn trận đa cấp.
Gia Tuấn  ghi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần