Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ số, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đang đứng trước những đòi hỏi, thách thức mới cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện, sâu sắc từ tư duy, nhận thức đến cách làm.

Chuyển biến nhờ ứng dụng công nghệ thông tin
Thời gian qua, công tác PBGDPL trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện. Nội dung, hình thức PBGDPL có sự đổi mới, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn, trong đó, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác này đã từng bước được chú trọng triển khai và đạt được kết quả bước đầu. Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, UBND TP Hà Nội, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, định hướng chuyển đổi số đối với công tác PBGDPL. Nhờ đó, đã cải thiện điều kiện tiếp cận, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ thông tin pháp luật.
 Hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua hình thức trực tuyến ngày càng phát triển trong thời gian qua. Ảnh: Chiến Công
Mới đây, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội đã ban hành văn bản về tuyên truyền pháp luật trên thiết bị điện tử theo mô hình “Cầu thang pháp luật” và màn hình Led. Đây là mô hình tuyên truyền phổ biến pháp luật mới qua video (bằng hình thức infographic) phát qua thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy trong các tòa nhà chung cư. Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP đã xây dựng 11 video gồm các nội dung tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, pháp luật giao thông, an toàn thực phẩm, ứng xử khi tham gia môi trường mạng, phòng, chống tác hại của rượu bia... Nội dung xây dựng video tuyên truyền dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành trong các lĩnh vực.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, triển khai thực hiện việc tuyên truyền nội dung của các video qua thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy trong các tòa nhà chung cư trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền trên các thiết bị điện tử, màn hình Led (nếu có) và các hình thức phù hợp khác để tuyên truyền rộng rãi tới người dân.

Chuyển mạnh sang hình thức trực tuyến

Trước đó, trong năm 2020, TP Hà Nội đã chỉ đạo thí điểm mô hình “Cầu thang pháp luật” bằng hình thức tuyên truyền qua video với các thông tin, hình ảnh sinh động tại quận Cầu Giấy, Thanh Xuân. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình này triển khai rất phù hợp tại khu chung cư. Ngoài ra, các cuộc thi trực tuyến về kiến thức pháp luật với quy mô lớn đã thu hút đông đảo lượt người tham gia, tạo sân chơi tìm hiểu pháp luật thực sự bổ ích, hiệu quả. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này đã đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP đánh giá, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần tích cực thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, tạo thành phong trào tuân thủ nghiêm pháp luật của tổ chức và cá nhân trên địa bàn TP. Do đó, trong năm 2021, các đơn vị phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, có các giải pháp, giảm hội họp, hội nghị, tránh tập trung đông người; đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng hình thức trực tuyến nhiều hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần