Đa dạng hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/4, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân” đã tổ chức hội nghị giao ban quý I/2017, triển khai nhiệm vụ, giải pháp 9 tháng cuối năm 2017. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP, trong quý I/2017, Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với các huyện, thị xã chỉ đạo bà con nông dân hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ Xuân theo đúng thời vụ với tổng diện tích gieo trồng 122.413ha, đạt 100,34% kế hoạch. Về xây dựng NTM, 2 huyện (Thanh Trì và Hoài Đức) đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để trình Trung ương công nhận đạt chuẩn NTM.
Đến nay, toàn TP có 255/386 xã (chiếm 66,06%) được UBND TP công nhận đạt chuẩn NTM. Trong số 131 xã còn lại, theo kết quả tự thẩm định của các địa phương, có 5 đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí (tăng 5 xã so với năm 2016), có 87 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí (giảm 1 xã so với năm 2016), có 39 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí (giảm 3 xã so với năm 2016), không có xã nào đạt dưới 11 tiêu chí.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao kết quả đạt được trong quý I/2017 của Chương trình 02, đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, tích cực vào cuộc của các sở, ngành, địa phương. Trong thời gian qua, tổ công tác, các sở, ngành TP thường xuyên đi kiểm tra hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Đặc biệt, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đạt 98%, đây là kết quả nổi bật trong Chương trình 02. Trong đó, nhiều huyện hoàn thành 100% như Thanh Trì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Thường Tín… Đây là cơ sở để thực hiện liên doanh liên kết sản xuất nông nghiệp.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II và 9 tháng còn lại của năm 2017, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp, các đề án, dự án đã được phê duyệt. Đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản Thủ đô. Đặc biệt, chuyên đề chính của Chương trình 02 năm 2017 là mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao. Do đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng giao Sở NN&PTNT chủ trì xây dựng một mô hình điểm về nông nghiệp công nghệ cao cấp TP, đồng thời mỗi huyện, thị xã lựa chọn xây dựng một mô hình điểm của địa phương.

Đối với chương trình xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tiếp tục nâng cao tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn. Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo 51 xã đăng ký đạt chuẩn NTM hoàn thành các tiêu chí chưa đạt để cuối năm 2017 có thêm ít nhất 22 xã đạt chuẩn. Trong đó triển khai quyết liệt những tiêu chí không cần nhiều kinh phí, mở các lớp đào tạo cán bộ NTM.

Về nâng cao đời sống nông dân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch, bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình của TP về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi...

Đối với nguồn lực xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đồng tình đề xuất của Sở Tài chính, đề nghị các địa phương đa dạng hóa, huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM. Cụ thể gồm ngân sách huyện, xã; thu hút DN lấy nguồn thuế, phí; đấu giá quyền sử dụng đất; ngân sách TP; nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn lực hỗ trợ từ các quận; nguồn vốn xã hội hóa…