Đa dạng hóa sản phẩm bất động sản: Tạo đòn bẩy từ chính sách

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bất động sản (BĐS) đang trong giai đoạn thiếu hụt nguồn cung sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung trở xuống nhưng giá bán không ngừng gia tăng.

Đã có kiến nghị kéo giảm giá BĐS nhưng các chuyên gia cho rằng, nên để thị trường điều tiết và cần đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm để người thu nhập thấp có điều kiện cải thiện chỗ ở.
Kênh đầu tư sinh lời

Anh Nguyễn Quốc Khải trú tại CT4X2 Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình anh mới hoàn thiện thủ tục mua một lô đất trên đường Trường Chinh với mục đích sau khi xây dựng xong sẽ cho thuê mặt bằng để kinh doanh thương mại. Từ trước đến nay khi có vốn, anh Khải đều lựa chọn đầu tư BĐS. “Nhiều bạn bè mời tham gia đầu tư chứng khoán, bitcoin nhưng tôi luôn từ chối. Vì tôi muốn đầu tư vào một loại vật chất mà mình có thể nhìn thấy đó là BĐS. Tôi cũng không lựa chọn gửi tiền trong ngân hàng vì với mức lãi suất như hiện nay khoảng 5 – 6%/năm là không cao” – anh Nguyễn Quốc Khải cho hay.
 Khách hàng tham khảo thông tin một dự án bất động sản ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo Phó Tổng Giám đốc trang tin batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh, nhà đầu tư ở Việt Nam cũng như nước ngoài thường lựa chọn những kênh đầu tư có thể kỳ vọng mức sinh lời tốt hơn. Ví như BĐS, nhu cầu thực tế trên thị trường rất lớn, chỉ tính riêng tại thị trường TP Hồ Chí Minh trong năm 2020 nhu cầu cần đến từ 60.000 – 70.000 căn hộ nhưng nguồn cung mới ra thị trường chỉ đạt trên 27.000 sản phẩm (bao gồm cả hàng tồn kho) nên đã khiến giá bán không ngừng leo thang. Nhưng theo đánh giá, việc tăng giá BĐS trong giai đoạn hiện nay không làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thị trường.
“Giá nhà tăng ở giai đoạn này khác hoàn toàn với giai đoạn 2008 - 2010. Nhờ có sự kiểm soát tín dụng với BĐS của Nhà nước đảm bảo cho việc không bị "bong bóng ảo" về giá” - ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.

Ở khía cạnh khác, giá BĐS hiện nay trên thị trường cao gấp hàng chục lần thu nhập bình quân của người dân nhưng do những khó khăn về chính sách tài chính, pháp lý làm nguồn cung giảm sút. Cùng với đó là sự tham gia của một lượng lớn người đầu cơ đã khiến giá bán không ngừng bị đẩy lên. “Nhìn nhận một cách khách quan cho thấy, DN không có lỗi trong việc tăng giá bán, mà phải phụ thuộc vào những yếu tố khác như giá đất, vật liệu, nhân công và nhiều loại phí không tên khác mà không thể kê khai vào chi phí xây dựng, đó đó, sản phẩm giá thấp ngày càng “mất hút” trên thị trường. Tình trạng này khiến cho người có thu nhập thấp ngày càng khó khăn trong việc cải thiện chỗ ở” – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho hay.

Tạo đòn bẩy về tài chính

Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Chí Thanh phân tích, thời gian gần đây có những kiến nghị gửi lên Chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm kéo giảm giá bán BĐS trên thị trường. Nhưng vấn đề này phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường, Chính phủ không thể yêu cầu DN phải điều chỉnh giám giá bán sản phẩm, mà giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là để cho thị trường tự bình ổn. “Theo quy luật phát triển, khi nguồn cung nhiều, giá bán ắt sẽ được điều chỉnh giảm. Tôi cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là Chính phủ cần phải sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đẩy nhanh việc thanh tra dự án để thị trường có thêm nhiều dự án mới. Khi nguồn cung dồi dào sẽ hạn chế được tình trạng tăng giá” – ông Nguyễn Chí Thanh nhìn nhận.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, với tốc độ đô thị hóa và dân số tăng nhanh như hiện nay sẽ khó có thể kỳ vọng vào việc giá bán giảm, ngược lại nhu cầu về nhà ở ngày càng tăng kéo giá lên. Trong khi đó, yếu tố dịch bệnh Covid-19 chỉ mang tính chất ngắn hạn, đầu tư BĐS có tính dài hạn, điều đó lý giải tại sao tỷ lệ hấp thụ trên thị trường giảm sút nhưng giá BĐS không hạ xuống, mà lại còn tăng lên.
“BĐS là một trong những thành tố chính trong nền kinh tế, có tác động đến sự phát triển của hàng trăm ngành nghề khác nhau. Vì vậy, nếu giá BĐS đi xuống sẽ kìm hãm sự phát triển của các thành tố liên quan. Do đó, để giá nhà tuột dốc chưa chắc là chỉ số tốt của nền kinh tế” – ông Nguyễn Quốc Anh nhận định

Về giải pháp để tạo lập sở hữu nhà ở cho người dân có thu nhập thấp, đặc biệt với người dân đang sinh sống tại các đô thị, Nhà nước cần phải quyết liệt thực hiện giảm các khoản thuế phí, thuế đất, giảm lãi suất ngân hàng cho DN đầu tư dự án nhà ở thương mại... để đảm bảo được lợi nhuận. Khi đó DN không chỉ tập trung vào những dòng sản phẩm trung – cao cấp với lợi nhuận phù hợp nhưng thời gian thanh khoản chậm mà sẽ hướng đầu tư vào dòng sản phẩm giá thấp, biên độ lợi nhuận thấp hơn nhưng đổi lại nhu cầu lớn, tốc độ thanh khoản nhanh hơn, sẽ giảm được những chi phí do rút ngắn thời gian bán hàng.
Theo các chuyên gia, để nhiều đối tượng được cải thiện chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống, Chính phủ nên thực hiện đòn bẩy về tài chính nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, dựa vào các gói ngân sách cố định hỗ trợ hàng năm, thông qua hình thức ưu đãi lãi suất cho vay hoặc trái phiếu để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

"Để giúp cho giá BĐS được bình ổn lâu dài, tôi cho rằng nên xem xét lại quy định về bảng khung giá đất và nên thay bằng thuế đất, thuế BĐS được tính theo mức độ phần trăm (%) của giá trị đất đai trên thị trường. Kinh nghiệm của các nước phát triển đã làm như vậy rồi, khi thuế đất không quá cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia đầu tư, vừa kích thích được kinh tế phát triển, vừa giúp thị trường BĐS ổn định, bền vững." - GS.TSKH Đặng Hùng Võ