Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học 2021

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nhiều trường đại học (ĐH) tốp trên công bố những phương thức khác để tuyển chọn thí sinh có chất lượng nhất.

Trường thương hiệu cần tổ chức thi riêng
Tại thời điểm này, nhiều trường ĐH tốp trên đã công bố phương án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2021. Một điều dễ nhận thấy, đó là thay vì 3 phương thức tuyển sinh truyền thống (xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhà trường, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo học bạ...), một số trường có phương án tổ chức thi riêng để chọn thí sinh tốt nhất. Đơn cử như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực đối với học sinh THPT. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT hướng tới mục tiêu chỉ phục vụ mục đích xét tốt nghiệp. Do đó, về lâu dài các trường ĐH phải chủ động có phương án tuyển sinh riêng của mình.
Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực dành cho

học sinh THPT. Ảnh: Thủy Trúc

Đặc biệt là các trường ĐH lớn, lâu đời, có uy tín và xếp hạng cao, có nhiều ngành nghề có sức hút thí sinh và tính cạnh tranh cao thì rất cần một kỳ thi để phân loại, tuyển chọn được những sinh viên có chất lượng đầu vào tốt.
“Năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển 11.250 chỉ tiêu. ĐH Quốc gia Hà Nội khởi động lại kỳ thi đánh giá năng lực với nhiều mục đích, trong đó có mục tiêu trước mắt sử dụng kết quả này như bổ sung một phương án tuyển sinh ĐH, song song với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác đã được triển khai trong những năm vừa qua” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.

Năm 2021, trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 7.400 chỉ tiêu với 3 phương thức xét tuyển chính: Xét tuyển tài năng; xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức. PGS.TS Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: 2021 là năm thứ hai nhà trường tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy để lấy kết quả xét tuyển vào các ngành ĐH.
Nhà trường dự kiến lấy tới 40% chỉ tiêu từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, tăng hơn so với năm 2020. Không chỉ thế, với kỳ thi này nhà trường còn điều chỉnh theo hướng lấy 1 đầu điểm để xét tuyển, thay vì xét kết hợp với kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020. Trường cũng đưa thêm mấy phần tự chọn Vật lý, Hóa học, Sinh học vào bài thi đánh giá tư duy để việc đánh giá thí sinh được toàn diện.

Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế để hội nhập

Cùng với tổ chức thi riêng, ĐH Quốc gia Hà Nội và các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng nhiều trường top trên khác thực hiện xét tuyển tài năng đối với thí sinh có chứng chỉ khảo thí quốc tế như SAT, ACT, A-Level... PGS Trần Trung Kiên cho rằng, mỗi phương thức nhắm đến đối tượng tuyển khác nhau; ví dụ, phương thức xét tuyển tài năng nhắm đến đối tượng học sinh giỏi, học sinh đạt các giải, có chứng chỉ quốc tế.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, sở dĩ các trường xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ, bởi có nhiều chương trình hợp tác quốc tế. Hơn nữa, các trường đang thực hiện chuyển đổi số nên tài liệu tiếng Anh rất nhiều, yêu cầu sinh viên phải có nền tảng về ngoại ngữ trong quá trình học. Và khi ra làm việc, ai sử dụng ngoại ngữ tốt cộng với kết quả học tập tốt thì cơ hội việc làm rất cao. Bởi vậy, năm nay Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển 3.500 chỉ tiêu theo 3 phương thức, trong đó dành khoảng 20% chỉ tiêu xét học bạ cộng với các chứng chỉ quốc tế, thí sinh đạt giải thi học sinh giỏi quốc gia. “Việc các trường ĐH top trên xét tuyển đa dạng các phương thức tuyển sinh là nhằm mục đích chọn được những học sinh đầu vào tốt nhất” - PGS Lê Hữu Lập nhận định.
Với những trường tốp trên có thương hiệu nhưng chưa có điều kiện tổ chức thi riêng, như trường ĐH Ngoại thương đã công bố năm 2021 sẽ xét tuyển dựa cả vào kết quả Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Điều đó cho thấy, các trường có thương hiệu muốn khẳng định mình cũng như chọn được sinh viên tốt nhất thì không thể mãi trông chờ vào nguồn tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT không phải dành cho học sinh giỏi, mà cho thí sinh ở mọi trình độ nên đề thi có 60% câu hỏi ở mức độ cơ bản, 30 - 40% câu hỏi phân loại mức độ thấp. Vì thế, các chuyên gia khuyên: Những thí sinh có năng lực thực sự, mong muốn vào trường ĐH có thương hiệu, hãy đăng ký xét tuyển theo những phương án tuyển sinh riêng của các trường. Và, khi các trường ĐH tốp trên tổ chức thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, thí sinh cần tham gia để khẳng định mình.

Dù tổ chức thi riêng để tuyển chọn thí sinh tốt nhất, nhưng các trường top trên vẫn dành nhiều chỉ tiêu cho nguồn tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Đây chính là cách để tạo ra phương án an toàn trong tuyển sinh, cũng như tạo cơ hội cho các học sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT có mong muốn được vào trường ĐH tốp đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần