Sở Xây dựng Lâm Đồng chỉ ra nguyên nhân Đà Lạt bị ngập

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị liên quan vấn đề TP Đà Lạt bị ngập úng, ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên do biến động tăng về nhu cầu nhà ở và việc xây dựng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp tăng cao, cũng như tình hình biến đổi khí hậu chung.

Đô thị hóa và nhà kính tăng cao
Những trận mưa không lớn nhưng kéo dài đã gây ngập úng cục bộ ở khu vực Mạc Đĩnh Chi, Cam Ly và một số tuyến đường ở trung tâm Đà Lạt. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng Bùi Quang Sơn cho rằng: Khu vực Mạc Đĩnh Chi, Cam Ly là nơi hội tụ (điểm có cao độ thấp nhất), cũng là nơi tập trung nước mưa thu gom từ các lưu vực của toàn bộ đường Huyền Trân Công Chúa, Thiện Ý, trục đường Hoàng Văn Thụ, khu vực trường Công nhân kỹ thuật. Trong điều kiện tính toán cho phép trước đây, hệ thống thoát nước đô thị tại khu vực này đảm bảo thoát nước tốt cho lưu vực nêu trên (trong điều kiện bình thường).
Sở Xây dựng Lâm Đồng chỉ ra nguyên nhân Đà Lạt bị ngập - Ảnh 1
Một tuyến đường ở trung tâm TP Đà Lạt bị ngập trong đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: T.T
Tuy nhiên, trường hợp thời tiết như những ngày qua, lượng mưa cao, thời gian kéo dài dẫn đến tình trạng ùn ứ, gây ngập úng cục bộ một số điểm trong TP Đà Lạt và tập trung khu vực hạ lưu suối Cam Ly, nhìn nhận một số nguyên nhân ban đầu như sau:
TP Đà Lạt trải qua quá trình lịch sử hơn 120 năm, hệ thống thoát nước đô thị cũng đã được cải thiện, nâng cấp, các nội dung về quản lý thoát nước đô thị đều được đặt vấn đề và đưa ra giải pháp quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật đảm bảo lâu dài. Đà Lạt đã chú trọng nâng cấp, cải tạo và làm mới hệ thống mương hở, cống chìm thoát nước tại khu vực về cơ bản đã đáp ứng được.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ đô thị hóa TP Đà Lạt tăng nhanh, các giải pháp về quy hoạch đô thị được đặt ra: Kiểm soát mật độ gộp đô thị, hạn chế bê tông hóa công trình kiến trúc, hạ tầng, chuyển dần canh tác trong đô thị từ công nghệ cao thành nông nghiệp hữu cơ…
Ngoài ra, do những hệ quả từ nông nghiệp công nghệ cao, canh tác trong nhà kính, nhà bạt nilon làm che phủ bề mặt thấm nước tự nhiên, cũng như ảnh hưởng đến hệ nước ngầm biến động về đất đai, khi có những trận mưa kéo dài, kết hợp lượng mưa lớn dẫn đến tập trung lưu lượng về phía hạ lưu hồ Xuân Hương, gây ngập cục bộ.
Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở, nhà ở kết hợp du lịch phục vụ cho du khách ngày càng tăng trong quá trình đô thị hóa, mật độ bề mặt thu nước, diện tích cây xanh có nguy cơ thu hẹp quy mô so với diện tích xây dựng, dẫn đến khả năng thẩm thấu của các khu vực đất trống, cây xanh bị hạn chế.
Cụ thể, sau khi quy hoạch khu dân cư Mạc Đĩnh Chi được triển khai, quỹ đất trước đây là đất nông nghiệp không còn, thay vào đó là hệ thống đường giao thông và các công trình dịch vụ đô thị, các công trình của nhà nước và nhân dân được xây dựng; tỷ lệ bê tông hóa tăng nhanh dẫn đến hệ lụy là lượng nước mưa thẩm thấu vào đất giảm mạnh, làm tăng lưu lượng nước thoát. Vì vậy, hệ thống mương cống chưa đáp ứng việc thoát nước kịp thời khi có mưa lớn kéo dài.
Nguyên nhân thứ hai là do phía thượng lưu thác Cam Ly có đập cao su chắn dòng chảy. Nguyên lý hoạt động của đập là nước chảy ngầm, không phải thiết kế dạng đập tràn đỉnh rộng, vì vậy, khi mực nước dồn về thì đập lại tự dâng cao gần như giữ nước lại, xả đáy không kịp gây úng cục bộ.
Ông Sơn chốt lại: “Có thể nhận định ban đầu về việc khu vực nội thị TP Đà Lạt thời gian gần đây mỗi khi mùa mưa đến lại xuất hiện nhiều vị trí bị ngập úng chủ yếu do biến động tăng về nhu cầu nhà ở và việc xây dựng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp tăng cao, cũng như tình hình biến đổi khí hậu chung. Việc này làm tăng đáng kể lưu lượng nước thoát tự nhiên”.
Đã đặc biệt lưu ý về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật
Trận mưa ngập vừa qua khiến nhiều người lo lắng và đặt câu hỏi về hiệu quả của việc quy hoạch phát triển TP Đà Lạt hiện nay. Trả lời câu hỏi về vấn đề này, ông Bùi Quang Sơn chia sẻ: “TP Đà Lạt là đô thị miền núi, nước mưa cơ bản được thoát theo địa hình tự nhiên, khi đi vào các khu dân cư thì được dẫn bởi hệ thống mương kín, hở và các cống ngầm.
Đối với các khu dân cư hiện hữu, trong quá trình lập quy hoạch cải tạo, chỉnh trang, ngành xây dựng đã đặc biệt lưu ý về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có nội dung về thoát nước mặt. Trong trường hợp chưa đáp ứng được các yêu cầu về lĩnh vực hạ tầng sẽ không thông qua, trình phê duyệt đồ án.
Đối với các khu đô thị mới thì khi lập quy hoạch bắt buộc phải có các đồ án thành phần chuyên về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; dành quỹ đất đủ đảm bảo cho việc thiết kế hệ thống thoát nước tính cho lượng mưa và tần xuất cao nhất; chú trọng tới quy hoạch san nền, tạo hướng thoát nước mưa ngay từ giai đoạn định hướng triển khai quy hoạch”.
Sở Xây dựng Lâm Đồng chỉ ra nguyên nhân Đà Lạt bị ngập - Ảnh 2
Trong đợt mưa lũ vừa qua, TP Đà Lạt có khoảng 20ha hoa và rau màu bị ngập, hư hại. ngoài ra, 11 căn nhà bị ngập, trong đó sập tường 3 nhà; 3.000m2 nhà kính tốc mái, hàng chục ô tô bị ngập. Ảnh:T.T
Cần lồng ghép công tác quản lý hạ tầng, hạ tầng thoát nước
Trả lời câu hỏi về những tham mưu, đề xuất của Sở Xây dựng Lâm Đồng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị TP Đà Lạt để khắc phục và giải quyết tình trạng ngập như vừa qua, ông Bùi Quang Sơn nói: “Trên thực tế, việc quản lý và công tác đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm sự phối, kết hợp của nhiều đơn vị có liên quan như: Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Phát triển hạ tầng, Công ty CP dịch vụ đô thị Đà Lạt (thuộc UBND TP Đà Lạt). Công tác triển khai quy hoạch thuộc trách nhiệm của địa phương, kể cả công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước”.

Từ thực tế trên, Phó giám đốc Bùi Quang Sơn cho rằng: “Cần lồng ghép công tác quản lý hạ tầng, hạ tầng thoát nước trong các đồ án quy hoạch, từ quy hoạch chung tới quy hoạch chi tiết. Xây dựng chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030, làm nền tảng quan trọng để TP Đà lạt xây dựng chương trình phát triển đô thị cho riêng mình”.
Ông Sơn cho biết thêm, thực hiện chương trình của Bộ xây dựng, ngành đang nghiên cứu đề xuất tỉnh về kế hoạch phát triển đô thị xanh, hướng đến phát triển đô thị bền vững, giảm hê lụy nêu trên về môi trường.
“Với vai trò của ngành trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, Sở Xây dựng chú trọng đối với các đồ án thành phần như quy hoạch thoát nước, san nền; đồng thời xây dựng quy chế quản lý đối với từng đồ án quy hoạch; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua (chưa kể thời gian 7 tháng năm 2019), quỹ đất dành cho việc xây dựng nhà kính ở TP Đà Lạt tăng 5 lần. Cụ thể, có khoảng 4.400ha đất xây dựng nhà kính, chiếm 11,15% diện tích tự nhiên của TP, chiếm 32,26% toàn bộ quỹ đất nông nhiệp. Trong khi đó, quỹ đất nông nghiệp chiếm tới 34,58% diện tích tự nhiên của TP Đà Lạt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần