Đà Nẵng cử cán bộ ra phố từ 4h sáng để giữ vỉa hè

Theo Zing.vn
Chia sẻ Zalo

Không phải ra quân rầm rộ, lãnh đạo cũng chẳng phải xuống đường cưỡng chế nhưng các vỉa hè ở Đà Nẵng vẫn thông thoáng dành cho người đi bộ.

Trước đây, một số tuyến đường như Hùng Vương, Trần Phú, Bạch Đằng... (TP Đà Nẵng) là những "điểm nóng" về việc chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng này cơ bản được hạn chế.
Quy hoạch các phố chuyên doanh

Hai năm trước, TP Đà Nẵng thực hiện thí điểm xây dựng các tuyến phố chuyên doanh để tạo điều kiện cho người dân buôn bán. Trong đó, tuyến đường Lê Duẩn là phố chuyên doanh về thời trang. Còn đường Huỳnh Thúc Kháng là phố chuyên doanh về ẩm thực. Cả hai tuyến phố này đều do UBND quận Hải Châu quản lý.

Chị Lê Thị Trang, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Lê Duẫn, cho biết từ khi phố chuyên doanh được hình thành, mặt tiền cửa hàng được ốp gạch mới khang trang và đẹp hơn so với trước. Vỉa hè cũng thông thoáng hơn nên lượng khách đến mua hàng ngày càng đông.
Ở phố ẩm thực Huỳnh Thúc Kháng, hàng chục cửa hàng đều bày bàn ghế, tủ inox ngăn nắp. Các biển hiệu trước cửa hàng được đặt ngăn nắp, không có tình trạng lộn xộn, lấn chiến vỉa hè.
Ông Nguyễn Văn Thu, chủ cửa hàng bún chả cá, cho hay thu nhập của quán tăng 30 - 40% khi phố điểm tâm đi vào nền nếp. “Ở khu phố này, từ biển quảng cáo cho đến cách trưng bày bàn ghế của các cửa hàng đều ngăn nắp như nhau. Từ khi có tuyến phố chuyên doanh, việc kinh doanh ở đây rất nền nếp", ông Thu nói.
Lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu cho biết từ khi các tuyến phố chuyên doanh hình thành, đơn vị đã hướng dẫn người dân cách để xe máy ngăn nắp, trưng bày biển hiệu... không cản trở lối đi bộ trên các vỉa hè.
 Lực lượng chức năng TP Đà nẵng đi kiểm tra tình trạng chiếm dụng vỉa hè ở đường Hùng Vương. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Theo quan sát của PV, một điểm dễ nhận thấy khi di chuyển qua các cửa hàng trên phố Lê Duẩn là quy định về sắp xếp các phương tiện trên vỉa hè. Với vỉa hè rộng 3 m, một vạch sơn đỏ kẻ dọc chia vỉa hè ra hai phần bằng nhau. Xe máy của khách được xếp phía ngoài vạch sơn.
Với những đoạn vỉa hè rộng 6 m, vạch sơn đỏ chia đều thành ba phần bằng nhau. Khi đó, xe máy xếp phía ngoài và trong cùng, lối bộ hành ở chính giữa.
“Lúc đầu nhiều người chưa hiểu quy định nên để xe máy rất lộn xộn. Chúng tôi đã rải quân đi nhắc nhở từng chủ cửa hàng. Bây giờ, trật tự vỉa hè cơ bản ổn định, đẹp mắt”, một vị lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị quận Hải Châu, cho biết.
Không đối đầu với dân để giành lại vỉa hè

Ông Huỳnh Văn Rân, Đội trưởng Đội Quy tắc đô thị quận Hải Châu, cho biết từ sau Tết Đinh Dậu, đơn vị này đã huy động hơn 50 cán bộ, nhân viên ra quân phối hợp với công an, dân phòng để xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè trái phép.
Theo đó, đơn vị này đã ban hành 98 quyết định về xử phạt hành chính đối với các trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Theo ông Rân, hầu hết trường hợp này do cố tình vi phạm nhiều lần. "Những trường hợp nhẹ, chúng tôi phạt 750.000 đồng. Còn đối với những hộ cố tình tái phạm thì chúng tôi phạt kịch khung với mức 10 triệu đồng để răn đe", ông Rân nói.
 Vỉa hè đường Hùng Vương. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận việc cưỡng chế và xử phạt những trường hợp vi phạm chỉ là giải pháp tình thế. "Bởi tình trạng lấn chiếm vỉa hè là 'căn bệnh kinh niên'. Do đó, nếu không bắt đúng "bệnh" thì không trị khỏi được", ông Rân ví von.
"Trước khi ra quân, chúng tôi phải khảo sát từng tuyến đường để nắm số liệu có bao nhiêu hộ lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Sau đó, đơn vị phối hợp với lãnh đạo các phường, mời họ lên để tuyên truyền, nhắc nhở", ông Rân cho hay.
Sau khi tuyên truyền, một số hộ đã nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người vẫn cố tình lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Trước tình hình đó, Đội Quy tắc đô thị sẽ cử nhân viên đến các vị trí trên canh chừng.
"Khoảng 4h hàng ngày, khi các hộ kinh doanh chưa thức giấc tôi đã cử người xuống đứng ngay ở vị trí mà họ thường xuyên lấn chiếm để canh chừng. Sáng thức giấc, họ thấy lực lượng chức năng đứng đó nên sợ, không dám bày hàng hóa ra bán như mọi hôm", ông Rân chia sẽ bí quyết.
Theo ông Rân, ở mỗi tuyến đường có khoảng 10 nhân viên thay nhau túc trực từ sáng đến tối. "Chúng tôi đứng miết như vậy khiến người dân cũng nản chí và họ phải tìm mặt bằng ở nơi khác để kinh doanh. Còn những trường hợp cố tình tái phạm, chúng tôi tiến hành cưỡng chế và xử phạt nặng để răn đe", ông Rân cho hay.
Ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho biết thêm sau khi lấy lại được vỉa hè, đơn vị giao trách nhiệm cho UBND các phường quản lý. "Theo đó, nếu phường nào để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè thì chủ tịch phường đó phải chịu trách nhiệm", ông Anh nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần