Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng hiến kế phát triển kinh tế

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra sáng 10/7, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại vướng mắc và hiến kế cho kinh tế TP đạt chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trong phần thảo luận về vấn đề phát triển kinh tế gắn với quy hoạch, đại biểu Trần Đình Hồng cho rằng: 2019 là năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nhưng hiện tại một số chỉ tiêu thấp.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,21% (cùng kỳ là 7,24%), thấp nhất từ trước tới nay và thấp nhất trong 5 TP trực thuộc Trung ương. Nhìn chung tốc độ tăng trưởng giảm 1% so với cùng kỳ.
Đà Nẵng cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển. 
Để hoàn thành chỉ tiêu 6 tháng cuối năm đại biểu Trần Đình Hồng đề nghị, TP phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn chỉnh đề án để trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, cũng như đề án Chính quyền đô thị theo tinh thần Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh tiến độ thực hiện năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019; tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải tỏa đền bù, thủ tục đầu tư xây dựng nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình, dự án trọng điểm.
Đặc biệt theo đại biều Trần Đình Hồng, TP Đà Nẵng cần phải nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc để các DN an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thủ tục liên quan đến đất đai,  đầu tư.
Trong khi đó, đại biểu Lê Văn Quang bày tỏ: TP Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho DN. Tuy nhiên cho đến nay, TP vẫn chưa nắm rõ chính sách nào mang lại hiệu quả cao và chính sách nào còn nhiều vướng mắc.
Ông Lê Văn Quang nêu: “Cụ thể chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN đã ban hành do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Hiện các DN đã biết được những chính sách này nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Hay như chính sách hỗ trợ cho DN công nghiệp hỗ trợ đã ban hành và có tác dụng, theo tôi, nên mở rộng đối tượng thừa hưởng chính sách này để có một nền công nghiệp hỗ trợ tương đối, phục vụ cho các ngành công nghiệp khác…”.
Còn đại biểu Võ Văn Thương chia sẻ: Từ nay đến cuối năm 2019, muốn hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế, TP phải tập trung thu hút đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao, khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp phần mềm. Ông Thương cũng đề nghị TP quan tâm đến các ngành công nghiệp là thế mạnh như dệt may, da giày, một số ngành công nghiệp khác có thể thâm nhập vào thị trường châu Âu; tiếp tục phát huy đề án chống thất thu thuế, đặc biệt là hai lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và bất động sản, cũng như du lịch.
Đà Nẵng đã thực hiện xong 3/5 nội dung theo kết luận 2852
Đại biểu Lê Xuân Hòa lại đề cập đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kết luận 2852 của Thanh Chính phủ về những sai phạm trong lĩnh vực đất đai.
Đại biểu Lê Xuân Hòa trình bày ý kiến tại phiên thảo luận. 
Năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận 2852, theo đó yêu cầu TP Đà Nẵng thực hiện 5 nội dung để khắc phục sai phạm và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Tuy nhiên, khi TP thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đại biểu Hòa, nguyên nhân do pháp luật về quản lý đất đai thay đổi qua từng thời kỳ, nhất là Luật quản lý đất đai 2013 có hiệu lực; một số nội dung của kết luận không còn phù hợp với pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, do dự án triển khai trong thời gian rất dài, rất nhiều trường hợp nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển đổi, chuyển nhượng đầu tư dự án qua nhiều lần nên việc xác định chủ thể thực hiện nhiệm vụ, cũng như phạm vi nhiệm vụ và cơ sở pháp lý gặp nhiều khó khăn.
“Chúng ta cần thực hiện nghiêm kết luận 2852, nhưng xuất phát từ những vướng mắc nêu trên nên quá trình thực hiện chưa tạo được sự đồng thuận, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý các nhà đầu tư, tiến độ dự án, dòng vốn đầu tư, cũng như tốc độ phát triển của TP”, ông Hòa nói.
Tới thời điểm này, TP đã thực hiện xong 3/5 nội dung theo kết luận 2852; thực hiện thu 44% tiền yêu cầu thu hồi về ngân sách và 25% về điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng thời hạn… Nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ kết luận 2852, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, đại biểu Hòa đề nghị TP cần thống nhất quan điểm xử lý. Việc thực hiện kết luận 2852 cần đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành, đồng thời phải phù hợp với tình hình thực tế, lịch sử của TP.
Qua đó, đại biểu Hòa đề nghị: UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thanh tra Chính phủ giải mật kết luận 2852 làm cơ sở để có thể tranh thủ sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành vào quá trình thực hiện; tạo điều kiện để HĐND TP bàn bạc, quyết nghị những vấn đề thuộc thẩm quyền, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc. TP cần thông tin rộng rãi cho nhân dân biết về yêu cầu cũng như kết quả thực hiện kết luận 2852 nhằm tạo sự đồng thuận, chia sẻ, thống nhất trong nhân dân.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan tập trung xử lý các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình, đồng thời tích cực chủ động, tranh thủ sự chỉ đạo của cơ quan trung ương để tháo gỡ những khó khăn.
Liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho DN, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung cho biết: Những những vấn đề liên quan thực hiện kết luận 2852 thuộc thẩm quyền của TP đã tháo gỡ hết. TP cũng đã mạnh dạn kiến nghị với Trung ương về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương, đã có báo cáo và đang đăng ký để làm việc các cơ quan chức năng Trung ương để sớm tháo gỡ vấn đề này.
Đối với HĐND, sau kỳ họp này sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành để tháo gỡ cho Đà Nẵng.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Nho Trung cũng thừa nhận các chính sách tiếp cận với DN hiện chưa nhiều. Qua đó, đề nghị Ban kinh tế ngân sách có giám sát để đưa vào kỳ họp HĐND cuối năm, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cho DN tiếp cận các chính sách và phát triển.
Tờ trình gửi HĐND TP trong kỳ họp lần thứ 11, UBND TP Đà Nẵng cho biết, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2019 ước tăng 6,21%, thấp hơn mức tăng 7,24% của cùng kỳ 2018. Ước tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt 14.722 tỷ đồng, đạt 53,8% dự toán. Thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt 1.942 tỷ đồng, bằng 49,8% dự toán, tăng 2%.
Trên cơ sở kết quả ước thực hiện 6 tháng đầu năm, UBND TP Đà Nẵng dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm 2019.
Theo đó,  Kịch bản 1: Dự kiến 6 tháng cuối năm 2019 GRDP tăng 8,14%, trong đó: dịch vụ tăng 8,24%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,33%; nông nghiệp tăng 3,14%; thuế sản phẩm tăng 9,64%.  Ước cả năm 2019 GRDP tăng 7,25%, trong đó: dịch vụ tăng 7,98%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,23%; nông nghiệp tăng 3,01%; thuế sản phẩm tăng 6,68%.

Kịch bản 2: Dự kiến 6 tháng cuối năm 2019 GRDP tăng 8,45%, trong đó: dịch vụ tăng 8,15%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,31%; nông nghiệp tăng 3,00%; thuế sản phẩm tăng 10,27%. Ước cả năm 2019 GRDP tăng 7,42%, trong đó: dịch vụ tăng 7,94%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,75%; nông nghiệp tăng 2,95%; thuế sản phẩm tăng 7,06%.