Đà Nẵng: Dự án Khe Cạn “mắc cạn”, dân đi không được ở không yên

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm hộ dân phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đang sống trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, vì dự án Khe Cạn “mắc cạn” suốt thời gian dài. Chính quyền đang tìm cách gỡ rối giải tỏa đền bù, còn người dân thì sống trong nơm nớp lo âu.

Dân lo… ra đường ở!
Dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn đi qua địa bàn phường Thanh Khê Tây (đoạn cuối) đang “mắc cạn” nhiều năm do vướng giải tỏa, đền bù. Hàng chục lần tiếp dân và gần cả trăm lượt trả lời đơn thư người dân, nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thành khâu giải tỏa, đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, phân kỳ 1 dự án có 134 hồ sơ giải tỏa. Trong đó, chỉ có 19 hồ sơ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) được bố trí tái định cư, 17 hồ sơ được thuê căn hộ chung cư, số còn lại chỉ hỗ trợ (từ 0 đồng đến vài trăm triệu) vì không có sổ đỏ.
Không đồng tình với phương án đền bù này, 60 hộ dân phường Thanh Khê Tây đã viết đơn khiếu nại lên các cấp và báo chí với mong muốn chính quyền sớm vào cuộc giải quyết nguyện vọng và quyền lợi cho họ. Bởi, họ đang lo phải… ra đường ở.
Dân Khe Cạn đi không được ở không yên vì dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn đang bị ''mắc cạn''. Ảnh: Q.HẢI
Chị Nguyễn Thị Phượng (tổ 20, phường Thanh Khê Tây) cho biết, lô đất 93m2 mà gia đình chị đang ở mua năm 2009, khi xây nhà được cấp giấy phép tạm, có xác nhận nhà ở, hợp đồng điện nước và hàng năm đóng thuế phi nông nghiệp. Tuy nhiên, khi lên phương án đền bù giải tỏa thì thuộc diện đất nông nghiệp nên không được bố trí tái định cư.
“Khi làm dự án, những ai có sổ đỏ thì được bố trí tái định cư, còn những người dân hiện đang sinh hoạt tại địa phương bị mắc kẹt lại do không được bố trí tái định cư với lý do không có sổ đỏ. Dân chúng tôi muốn làm sáng tỏ vì sao bị kẹt ở đây? Và chính quyền Thanh Khê lấy quỹ đất làm gì mà để dân bị kẹt tại đây?”, chị Phượng phản ánh.
Chị Phượng cũng đặt câu hỏi: “Vì sao trên cùng một thửa đất có người làm được sổ đỏ, người không? Tại sao người có sổ đỏ được bố trí tái định cư, còn dân không có sổ không được bố trí tái định cư? Chúng tôi được biết chỉ có 17 hộ được bố trí thuê chung cư, còn lại hỗ trợ vài chục triệu. Vậy hỏi chừng đó số tiền hỗ trợ thì dân đi thuê nhà được mấy tháng, rồi sẽ đi đâu, ở đâu?”.
Hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Thanh Phong (tổ 20, phường Thanh Khê Tây) mua lô đất 80m2 theo diện viết tay cách đây 10 năm. Anh Phong được Chủ tịch UBND quận Thanh Khê (thời điểm 2013) cấp giấy phép xây dựng nhà tạm, đủ điều kiện làm hợp đồng điện, nước; hàng năm thực hiện nộp thuế theo diện đất phi nông nghiệp. Nhưng khi lên phương án đền bù, anh Phong thuộc diện hỗ trợ.
“Dân ở đây sống trong điều kiện khổ cực quen rồi nên khi Nhà nước có dự án làm cống, dân rất ủng hộ. Nhưng cần phải bồi thường thỏa đáng cho người dân. Như tôi, lần đầu nhận thông báo hỗ trợ 142 triệu, trong khi sổ sách đầy đủ, như giấy đóng thuế phi nông nghiệp từ năm 2012 đến nay, khi xây dựng nhà cũng có giấy phép, chỉ thiếu sổ đỏ. Đến lần thứ 4 thông báo thu hồi hỗ trợ lên 267 triệu. Chúng tôi được mấy trăm triệu đó rồi nhà cửa không có, biết ở đâu?”, anh Phong bày tỏ.
Đơn khiếu nại và những giấy tờ nhà đất liên quan các hộ dân gửi đến báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Q.HẢI
Gia đình chị Nguyễn Thị Lành (tổ 27, phường Thanh Khê Tây) có 7 người, đang sinh sống trong căn nhà cấp 4 diện tích 70m2 ngay cạnh kênh thoát nước thải. Chị Lành cũng thuộc diện hỗ trợ giải tỏa, chứ không được đền bù. “Lúc đầu được hỗ trợ 70 triệu nhưng chúng tôi không chịu, nói miết sau đó chính quyền tăng lên 120 triệu. Hiện ba chồng tôi bị tai biến, mẹ thì bị tiểu đường, thêm 3 đứa con nhỏ, hai vợ chồng tôi đi làm không đủ nuôi sống cả gia đình, lại thêm nợ nần. Vì thế mong chính quyền vào cuộc để chúng tôi cũng như nhiều hộ dân khác có chỗ ở, nếu không chỉ biết ra đường”.
Theo đơn khiếu nại gửi đến báo Kinh tế & Đô thị, 60 hộ dân ở phường Thanh Khê Tây cho rằng: “Chúng tôi khẳng định đất của những hộ dân đang ở ổn định nhiều năm là đất đã đủ điều kiện để cấp sổ đỏ. Không thể chỉ vì những thủ tục hành chính mà chưa được thực hiện để coi đó là đất nông nghiệp. Thật phi lý khi trên cùng một khu đất, xen kẽ trong đó, thửa được coi là đất ở, thửa lại là đất nông nghiệp”.
“Đa số hộ dân chúng tôi mua đất và làm nhà ở đây đều trước năm 2009 và làm nhà trước ngày 1/7/2014. Với chủ trương của TP Đà Nẵng đã cho người dân khu vực cống thoát nước Khe Cạn được làm sổ đỏ, thì những hộ nghèo như chúng tôi cũng phải được hưởng chính sách và quyền lợi giống như những hộ đã có sổ đỏ”, đơn tiếp tục nêu.
Chị Nguyễn Thị Lành nói nếu bây giờ giải tỏa và chỉ được hỗ trợ thì gia đình chị chỉ biết... ra đường ở. Ảnh: Q.HẢI
Chính quyền nói gì?
Bà Lê Thị Nhật Diệu - Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây cho biết, vướng mắc của dự án Khe Cạn là đa số người dân muốn bố trí tái định cư. Trong khi đó, nhiều hộ xây nhà trên đất nông nghiệp, có giấy phép tạm cam kết không mua bán chuyển nhượng và tự tháo dỡ không yêu cầu đền bù khi quy hoạch. Bà Diệu cũng khẳng định chưa có hộ nào khó khăn chưa được bố trí thuê căn hộ chung cư. Về phía phường, bà Diệu mong muốn TP quan tâm, xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho người dân.
Về những câu hỏi người dân Khe Cạn thắc mắc, ông Trần Trung Nam - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê khẳng định: Dự án Khe Cạn là đất nông nghiệp thuần túy, chưa được các cơ quan quy hoạch. Và trong kế hoạch sử dụng đất vẫn là đất nông nghiệp, chưa có quy hoạch đất ở hay cấp giấy chứng nhận cho các hộ, hay có chủ trương bố trí cho các hộ để bố trí đất.
Theo ông Nam, thời điểm năm 2005 - 2010 tới 2015, nhu cầu bức xúc chỗ ở tại Đà Nẵng do người dân tới đây làm ăn buôn bán nhiều và người dân tách thửa. Vì thế xảy ra tình trạng người dân khu vực Khe Cạn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp qua đất ở, có người tự ý chuyển đổi. Thời điểm ấy, một số trường hợp đã bị xử phạt
“Do yếu tố lịch sử để lại. Tất nhiên vì cách đây 10 đến 15 nên chúng tôi không cập nhật được nên không thể khẳng định được tại sao tồn tại được những cái nhà như vậy trên đất nông nghiệp”, ông Nam nói.
Cửa sổ của một hộ dân mở ra là cống thoát nước, mùi hôi nồng nặc và ruồi muỗi. Ảnh: Q.HẢI
Ông Nam thông tin, Dự án Khu vực cống thoát nước Khe Cạn hiện có 380 hồ sơ nằm trong diện giải tỏa. Trong phân kỳ 1 dự án gồm 134 hồ sơ thì có 63 nhà ở. Trong 63 hộ này thì có 23 trường hợp được cấp giấy phép tạm. “Trong dự án phân kỳ 1, qua rà soát có 19 hồ sơ có sổ đỏ. Những hộ này được cấp giấy chứng nhận cũng là “thời điểm lịch sử”, ông Nam cho hay.
Trong 63 trường hợp có nhà thì đã có 17 hộ được bố trí cho thuê căn hộ chung cư. Hiện quận đã đề xuất thêm 10 trường hợp được thuê chung cư và bảo vệ 10 người này. Số còn lại trong 63 hộ này, theo ông Nam, điều kiện bố trí cho thuê căn hộ chung cư rất gắt gao.
“Những hộ này thực sự là chưa hợp pháp. Ví dụ trường hợp người dân nói họ mua bán có phường chứng nhận, có giấy viết tay chứng nhận mua đất ở chỉ là “tạo điều kiện” cho dân. Chứ theo luật đất đai, mua bán đất đai phải trên cơ sở có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì thế, chính quyền đã tìm mọi cách, nghiên cứu, vận dụng để hỗ trợ người dân”, ông Nam cho biết.
Hướng xử lý cho những hộ này, ông Nam cho biết quận Thanh Khê đang tiếp tục nghiên cứu, đề nghị thành phố giảm bớt tiêu chuẩn bố trí cho thuê chung cư.
Trả lời câu hỏi vì sao những hộ chưa được cấp sổ đỏ không được đền bù, dân nhiều lần khiếu kiện thì chính quyền tăng dần mức hỗ trợ lên, ông Trần Trung Nam thông tin: “Theo nguyên tắc phê duyệt đền bù thì đầu tiên căn cứ pháp lý. Cụ thể, đất nông nghiệp nhưng xây dựng nhà ở nên theo quy định thì không hợp pháp, vì vậy chúng tôi phải phê duyệt theo đúng tinh thần. Ban đầu 0 đồng là không đền bù, còn những cái sau là hỗ trợ. Còn quyền lợi của người dân thì phải đền bù. Về luật, khi thu hồi đầy đủ cơ sở pháp lý là phải đền bù”.
Chính quyền đã dựng bảng quy hoạch dự án Chung cư phục vụ bố trí tái định cư Dự án cống thoát nước Khe Cạn - giai đoạn 1. Ảnh: Q.HẢI
Về thắc mắc “vì sao trong số dân Khe Cạn có người được cấp sổ đỏ, có người chưa? Tại sao trên cùng thửa đất mà có thửa thì được coi là đất ở, có thửa lại coi là đất nông nghiệp?”, ông Nam giải thích: “Chính vì trước đây những người có điều kiện thì có sổ đỏ, người không có điều kiện thì không, nên hiện nay chúng tôi đang đề xuất tiếp 103 hộ để hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư”.
Ngày 9/4/2020, UBND TP Đà Nẵng tiếp tục thống nhất hỗ trợ các trường hợp đất nông nghiệp xen lẫn trong khu dân cư. Cụ thể, các thửa đất tiếp giáp 3 hoặc 4 mặt với đất ở thì được hỗ trợ thêm 50% giá trị đất ở trong khu vực; tiếp giáp 2 mặt hỗ trợ thêm 40%, tiếp giáp 1 mặt hỗ trợ thêm 30%. Các trường hợp không tiếp giáp với đất ở nhưng có ít nhất 1 mặt tiếp giáp với các thửa đất thuộc diện trên đây thì hỗ trợ thêm 20%. Trong vùng dự án hiện chỉ mới có 12 hồ sơ theo diện này được phê duyệt hỗ trợ hơn 1,4 tỷ đồng.
Với thắc mắc của người dân có hay không chính quyền giải tỏa, thu hồi đất để phân lô bán nền, lãnh đạo quận Thanh Khê khẳng định, dự án Khe Cạn đã quy hoạch, không có chuyện lấy đất phân lô để bán. Việc thu đất là phục vụ cho cả 2 phân kỳ của dự án, tránh sau này phải tiếp tục thu hồi cho giai đoạn 2. 
“Tóm lại, do yếu tố lịch sử, quản lý đất đai lỏng lẻo nên giờ khu dân cư hình thành rồi thì phải tìm cách tháo gỡ, giải quyết”, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần