Đà Nẵng: Gắn giáo dục với bảo tồn di sản bài Chòi

Hiền Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/10, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao TP Đà Nẵng tổ chức họp triển khai kế hoạch tổ chức liên hoan “Chúng em hát Dân ca và Hô hát bài Chòi năm 2019”.

Họp triển khai kế hoạch liên hoan ''Chúng em hát Dân ca và Hô hát bài Chòi năm 2019''.
Đây là năm đầu tiên liên hoan được tổ chức dành cho cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng. Liên hoan với chủ đề “Giai điệu quê hương”, nhằm phát huy giá trị của Nghệ thuật bài Chòi Trung bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng.
Đồng thời, liên hoan là sân chơi nghệ thuật bổ ích cho các em học sinh giao lưu văn hóa nghệ thuật, hiểu sâu sắc về nghệ thuật dân gian, góp phần đưa hô hát Bài Chòi rộng khắp các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Thôi - Phó Phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa & Thể thao cho rằng: Những hoạt động của giáo dục gắn với hoạt động nghệ thuật văn hóa dân gian là cách giúp phát huy và bảo tồn giá trị Di sản bài Chòi Trung bộ tốt nhất, vì các em sẽ là người kế thừa những giá trị tốt đẹp được đúc kết qua từng lời hát. Xây dựng tình yêu văn hóa dân gian ngay từ khi ngồi ghế nhà trường cho các em là cách làm mang tính lâu dài, bền vững.
“Ưu tiên các tiết mục mang tính sáng tạo, tức là cải biên lời cổ của các điệu lý để phù hợp hơn cho lứa tuổi học sinh. Với 15 - 20 phút/chương trình, việc lồng ghép sáng tạo sẽ được đánh giá cao”, ông Thôi nhấn mạnh.
Thời gian đăng ký tham gia liên hoan từ ngày ra kế hoạch đến hết ngày 21/11 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh TP Đà Nẵng (số 32 Bạch Đằng, TP Đà Nẵng). Liên hoan khai mạc vào 19h30 ngày 28/11; công diễn ngày 1/12/2019 tại Công viên phía Đông cầu Rồng (quận Sơn Trà).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần