Đà Nẵng gặp khó trong quản lý an toàn thực phẩm

QUANG HẢI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên 80% sản lượng rau quả, thủy sản và thịt mà TP Đà Nẵng tiêu thụ được nhập từ ngoại tỉnh về các chợ đầu mối và cơ sở giết mổ tập trung bởi những chủ vựa thu gom từ nông hộ nhỏ ở địa phương khác. Do đó, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) còn gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thủ tục vướng

Đà Nẵng cùng TP Hồ Chí Minh và Bắc Ninh là 3 địa phương được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thí điểm Ban Quản lý ATTP. Theo đó, chuyển chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP từ 3 sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương sang Ban Quản lý ATTP; trừ sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, khai thác, nuôi trồng thủy sản và kiểm soát giết mổ động vật do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quản lý.
 Cảnh mua bán hải sản ở một chợ trên địa bàn quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng
Trong năm 2018, Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị đã tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông, phân phối trên địa bàn, ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, gian lận thương mại, kiểm soát kinh doanh phụ gia thực phẩm, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thú y. Các đơn vị đã lấy 1.666 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP vượt 836 mẫu tương ứng 100,7% so với chỉ tiêu giao là 830 mẫu.

Hiện 99% các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa Đà Nẵng đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP. Đặc biệt, tại các quận Hải Châu, quận Thanh Khê, chính quyền địa phương đã hỗ trợ các hộ kinh doanh thức ăn đường phố trang bị tạp dề, mũ, cấp phát muỗng không rãnh, xây dựng mô hình điểm kinh doanh thức ăn đường phố tại tuyến đường Hải Phòng, vận động doanh nghiệp hỗ trợ bạt quay, biển tên, tạp dề và đồng phục. Tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, tiếp tục duy trì tốt hoạt động của các chợ đêm, đảm bảo vệ sinh ATTP tại các tuyến phố ẩm thực.  

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, hiện trên 80% sản lượng rau quả, thủy sản và thịt mà thành phố tiêu thụ được nhập từ ngoại tỉnh về các chợ đầu mối và cơ sở giết mổ tập trung bởi các chủ vựa thu gom từ nông hộ nhỏ ở các địa phương khác. Do đó, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo ATTP ở một số chợ, cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối còn chưa đáp ứng theo quy định, lại hoạt động chủ yếu vào ban đêm… nên khó khăn khi triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP.

Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, số lượng văn bản do 3 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương cùng ban hành quản lý đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý nên khó khăn cho địa phương trong triển khai thực hiện.

Thành lập Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý ATTP, năm 2019, Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ đầu tư Dự án xây dựng chợ Đầu mối nông sản Hòa Phước đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiếp tục hợp tác với các tỉnh cung ứng trái cây, thủy sản và gia súc, gia cầm cho thành phố nhằm phối hợp kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và ngăn ngừa các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm nhập vào tiêu thụ ở thành phố.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm và công khai trên các phương tiện truyền thông những cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP.

Đặc biệt, tại Hội nghị sơ kết 1 năm thành lập Ban Quản lý ATTP và tổng kết công tác bảo đảm ATTP năm 2018 diễn ra ngày 17/1, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, hiện UBND TP đã có quyết định thành lập Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm chuyên sâu để phục vụ cho nhu cầu thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP. Do đó, các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư... cần sớm có hướng dẫn cho Ban Quản lý ATTP các thủ tục xây dựng, ghi vốn, mua sắm trang thiết bị, hoàn thành trong năm 2019.

Phó Chủ tịch Lê Trung Chinh chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung chuyên ngành ATTP; công tác lấy mẫu giám sát ATTP, đặc biệt là lấy mẫu nước uống tại các trường học cần được UBND các quận huyện quan tâm.