Đà Nẵng: “Hậu APEC” bất động sản du lịch bùng nổ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “APEC đã để lại cho Đà Nẵng một hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồ sộ, từ các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cho đến hệ thống giao thông đi lại, giúp cho năng lực dịch vụ của TP này tăng lên theo cấp số nhân so với trước kia”, GĐ phát triển Dự án (Cty Quản lý Du lịch cấp cao Châu Á) - ông Nguyễn Văn Hưng phân tích.

Hiệu ứng từ APEC

Vào trung tuần tháng 10/2017, thời điểm trước khi diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị thượng đỉnh của lãnh đạo 21 nền kinh tế APEC, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 25. TP Đà Nẵng đã đón đầu sự kiện này thông qua Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017, để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Lĩnh vực được TP Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư tại thời điểm này đó là BĐS du lịch, các tổ hợp dự án, các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng... được coi là thế mạnh của TP trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội từ khi tái lập đến nay.
 Đà Nẵng đang trở thành mảnh đất vàng cho BĐS du lịch nghỉ dưỡng (Ảnh: Internet)
Số lượng và quy mô vốn của các dự án thuộc lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng luôn chiếm tỷ trọng cao và đứng đầu trong các nhóm ngành nghề, lĩnh vực đầu tư vào Đà Nẵng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, tính đến hết quý III/2017, TP có 490 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực đầu tư bất động sản, du lịch, dịch vụ với 346 dự án, chiếm tỷ trọng 59,5% tổng vốn đầu tư.

Theo số liệu và đánh giá của Cty CBRE Việt Nam, trong 10 năm qua, nguồn cung khách sạn 3 - 5 sao tăng 31%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng khách du lịch 22%/năm, tốc độ tăng trưởng của cả 2 khá tương đồng và ổn định. Riêng trong tháng 10/2017, các nhà đầu tư lớn tại Đà Nẵng đã bung ra thị trường 2.000 sản phẩm là căn hộ condotel, trong đó có 1.700 sản phẩm đã được giao dịch thành công.

Số lượng nguồn cung sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng của Đà Nẵng hiện là tương đối lớn, tuy nhiên so với tiềm năng phát triển du lịch của TP này thì con số ấy chưa phải là quá cao. Tổng số lượng phòng khách sạn từ 3 – 5 sao tại Đà Nẵng ở thời điểm hiện tại có khoảng 16.800 phòng.

CBRE dẫn chứng tại thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Phu Kẹt - Thái Lan, hiện có 1.722 khách sạn 3 - 5 sao với 81.427 phòng và 4.413 biệt thự, 12.309 căn hộ nghỉ dưỡng bán, trong khi tốc độ tăng trưởng du khách chỉ ở mức 11%.

Trên trục đường phía đông TP đó là đường Trường Sa, Hoàng Sa chạy dài từ Sơn Trà (Đà Nẵng) tới khu vực Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) đang trở thành cung đường 5 sao cho các nhà đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Thông qua sự kiện APEC, hình ảnh Đà Nẵng – Quảng Nam đã được truyền thông rộng khắp trên toàn thế giới, qua đó dự báo trong khoảng 2 – 3 năm nữa, riêng khu vực phía đông Đà Nẵng – Quảng Nam sẽ đón khoảng 10 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.

Đầu tư khách sạn là tất yếu

Ông Nguyễn Văn Hưng – GĐ phát triển Dự án (Cty Quản lý Du lịch cấp cao Châu Á) cho biết, đối với thị trường BĐS Đà Nẵng, đầu tư vào phân khúc khách sạn và các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng được coi là xu thế tất yếu hiện nay, bởi Đà Nẵng vốn đã có ưu thế về du lịch biển. Bên cạnh đó, APEC như một luồng gió mới “thổi” vào thị trường BĐS Đà Nẵng, khiến cho các sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng càng trở nên hấp dẫn hơn.
 Phân khúc khách sạn 3 - 4 sao sẽ bùng nổ trong thời gian tới
“APEC đã để lại cho Đà Nẵng một hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồ sộ, từ các khu nghỉ dưỡng, khách sạn cho đến hệ thống giao thông đi lại, giúp cho năng lực dịch vụ của TP này tăng lên theo cấp số nhân so với trước kia. Bên cạnh đó, với tốc độ tăng trưởng về số lượng khách du lịch luôn đạt con số ấn tượng trên 20%/năm những năm gần đây, khiến cho nhu cầu về khách sạn và các loại hình lưu trú tăng lên, nên nhà đầu tư tập trung vào phân khúc này là điều tất yếu”. ông Nguyễn Văn Hưng phân tích.

Sau khi APEC kết thúc, bên cạnh các dự án lớn tiếp tục được đẩy mạnh triển khai như: Coco Wonderland Resort, Pacific Land Resort, TMS Luxury Hotel Da Nang Beach... thì phân khúc BĐS du lịch tiêu chuẩn 3 – 4 sao cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Dự án khách sạn tiêu chuẩn 4 sao La Belle Vie chủ đầu tư là Cty Phúc Hoàng Ngọc (Hải Châu, Đà Nẵng) là nhát “súng hiệu” đầu tiên của chủ đầu tư sau sự kiện APEC vào phân khúc này.

Ông Trương Sỹ Bình – Tổng Giám đốc Cty Phúc Hoàng Ngọc cho biết, TP Đà Nẵng với tiềm năng lớn về du lịch, bên cạnh đó APEC đã đưa hình ảnh của Đà Nẵng ra khắp thế giới, nắm bắt được những cơ hội này Cty đã quyết định đầu tư vào dự án La Belle Vie Hotel.

La Belle Vie Hotel được nằm tại vị trí tương đối đắc địa gần với công viên cây xanh, gần sông Hàn, có thể đi lại thuận tiện bằng phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng (xe buýt). Bên cạnh đó, khách sạn này lại nằm ở khu dân cư mới của quận Hải Châu gần trục đường Như Nguyệt bên bờ sông Hàn.

Điểm nhấn của La Belle Vie Hotel không phải là được thiết kế theo kiểu boutique cổ điển phương Tây hòa lẫn với phong cách truyền thống phương Đông, mà ở hệ thống trang thiết bị cao cấp và dịch vụ đi kèm như: phòng hội nghị, bể bơi, phòng tập, bar – nhà hàng bufet...

Theo dự báo của Cty CBRE Việt Nam, phân khúc khách sạn 3 – 5 sao tại Đà Nẵng trong thời gian tới sẽ tiếp tục bùng nổ, dự báo đến đầu năm 2020 TP sẽ có khoảng 19.600 buồng, phòng khách sạn thuộc phân khúc này. Và trong quý II, III/2017 phân khúc khách sạn 4 sao mức doanh thu tăng 37% so với năm 2016, phân khúc khách sạn hạng 3 – 4 sao đang được ưu chuộng bởi sự tiện nghi, cũng như giá cả hợp lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần