Đà Nẵng hoàn thiện mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em khuyết tật trí tuệ sẽ được rèn luyện những kỹ năng sống độc lập trong sinh hoạt cũng như trong giao tiếp xã hội hàng ngày. Đây là nội dung được quan tâm thảo luận nhiều nhất trong Hội thảo “Hoàn thiện mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố” do Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng tổ chức sáng 20/3.

 Các CLB Sống độc lập sẽ giúp trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.
Theo Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng Trương Thị Như Hoa, mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố được thực hiện qua các bước gồm: Tuyên truyền về mô hình; sự tham gia của trẻ, gia đình và các tổ chức cá nhân liên quan; hình thành câu lạc bộ sống độc lập cho trẻ tại các quận huyện; vận hành mô hình tại các câu lạc bộ và kết nối du lịch, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm do trẻ khuyết tật làm ra.
Khi có con là trẻ khuyết tật, các gia đình thường lựa chọn đưa vào các cơ sở nuôi dưỡng hoặc trung tâm bảo trợ. Tuy nhiên, qua quá trình chăm sóc và tiếp xúc trực tiếp, nhiều chuyên gia cho rằng, các trẻ được nuôi ở các trung tâm bảo trợ sẽ có chỉ số phát triển thấp hơn những trẻ khuyết tật được nuôi ở nhà và được hòa nhập cộng đồng.

Với những góp ý, chia sẻ từ các ngành, cơ sở cung cấp dịch vụ về quy trình vận hành mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ sống độc lập cho trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ khuyết tật trí tuệ từ hội thảo sẽ có ý nghĩa quan trọng, giúp các em có điều kiện, môi trường để hoàn thiện bản thân, bồi đắp những kỹ năng còn thiếu và hòa nhập cộng đồng tốt hơn.

Không chỉ tự mình đảm bảo được những nhu cầu cơ bản để tồn tại để không phụ thuộc vào người khác, từ kỹ năng sống hàng ngày, kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng làm việc hay tiếp cận công nghệ... mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật sẽ giúp các em tự tin, vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng.

Mô hình Sống độc lập giúp trẻ khuyết tật trí tuệ có những kỹ năng sống độc lập như kỹ năng sống hằng ngày (vệ sinh thân thể, ăn uống, mặc quần áo...), kỹ năng chức năng (khả năng hoạt động trong các môi trường nhất định mà không cần sự hỗ trợ), kỹ năng giải trí, kỹ năng giao tiếp xã hội... Các em khuyết tật sẽ tự chăm sóc được bản thân, tham gia vào các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Để hoàn thiện mô hình sống độc lập cho trẻ khuyết tật trí tuệ, Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng sẽ phối hợp và hình thành khoảng 5 - 7 mô hình Câu lạc bộ Sống độc lập tại các quận, huyện trên địa bàn, giúp cho trẻ có những kỹ năng sống cần thiết.