Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lực lượng chức năng TP Đà Nẵng sẽ tiến hành kiểm tra, kiểm soát, thanh tra truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác một cách đầy đủ, minh bạch, đảm bảo thực hiện việc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép theo các hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu (EC).

 Hoạt động nghề cá của Đà Nẵng sẽ được giám sát theo quy định của Ủy ban Châu Âu
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa ký quyết định số 1813/QĐ-UBND về việc thành lập Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá – tên giao dịch tiếng Anh: FISHERIES CONTRONL OFFICE. Văn phòng này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, xuất bến, nhập và lưu trữ dữu liệu làm cơ sở để thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định; Thực hiện việc truy soát nguồn gốc thủy sản khai thác một cách minh bạch, đầy đủ và cách tiếp cận đánh giá rủi ro, các tiêu chuẩn kiểm tra để đảm bảo thực hiện việc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU) theo hướng dẫn của EC. Nhằm ngăn chặn các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, bảo tồn quản lý nghề cá, đảm bảo sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản.
Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá Đà Nẵng sẽ cử lực lượng trực 24/24 giờ hàng ngày để thực hiện việc kiểm tra, triển soát tàu cá xuất bến tại các trạm kiểm soát Biên phòng do Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP phân công. Ban QL Cảng cá Âu Thuyền và Cảng cá Thọ Quang đảm bảo trực 24/24 để kiểm soát tàu về bến tại cảng cá.

Đối với tàu cá trước khi xuất bến phải đáp ứng các yêu cầu: Chủ tàu/thuyền trưởng phải thông tin hoặc báo cáo trực tiếp bằng điện thoại cho Văn phòng trước ít nhất 1 giờ xuất bến để cán bộ đến kiểm tra và phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ như: Sổ nhật ký công việc, Giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm tàu cá, Giấy phép khai thác thủy sản, Chứng nhận thuyền trưởng/máy trưởng, Sổ danh bạ thuyền viên nghề cá… để đối chiếu kiểm tra.

Sau khi kiểm tra giấy tờ, Văn phòng sẽ tiến hành kiểm tra thực tế các thiết bị đảm bảo an toàn, hàng hải trên tàu, thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình, ngư cụ, số lượng thuyền viên… Đáp ứng được các tiêu chí nêu trên thì thuyền mới đủ tiêu chuẩn xuất bến.

Đối với hoạt động kiểm soát khi tàu về, khi cập cảng tàu phải nộp nhật ký khai thác cho cán bộ Văn phòng để kiểm tra thông tin ghi trong sổ nhật ký với sản lượng khai thác, kiểm tra ngự cụ, kích thước mắt lưới. Đảm bảo thanh tra tại cảng ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ; 5% sản lượng lên bến đối với các sản phẩm khai thác: cá đáy, cua, ghẹ, cá nổi nhỏ theo khuyến nghị của EC.

Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nghề cá được bắt đầu tổ chức thực hiện từ tháng 5/2018. Toàn bộ kinh phí thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách của TP. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đà Nẵng được giao là đơn vị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.