Đà Nẵng: Người khuyết tật sẽ được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người khuyết tật nặng không có nơi nương tựa đủ điều kiện được đưa vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội nếu có nhu cầu.

Ảnh minh họa
Đây là một trong những nội dung được Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phê duyệt trong Kế hoạch triển khai công tác trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2018. Với mục tiêu tạo chuyển biến nhận thức đến cộng đồng trong việc quan tâm, chăm sóc người khuyến tật, tạo môi trường bình đẳng để người khuyết tật tiếp cận đến hệ thống chính sách và các dịch vụ, TP đã ban hành nhiều cơ chế ưu tiên, hỗ trợ người khuyết tật.
Theo đó, trong năm 2018 đảm bảo 100% người khuyết tật có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật được Hội đồng khuyết tật cấp xã/phường đánh giá công nhận và cấp giấy chứng nhận mức độ khuyết tật. Người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng sẽ được trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ mai táng theo quy định. Những người khuyết tật đặc biệt nặng không có nơi nương tựa có nhu cầu, đủ điều kiện sẽ được đưa vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.

Những hộ gia đình có người khuyết tật là hộ nghèo, hộ chính sách đang ở nhà cấp 4 xuống cấp, hư hỏng nặng được ưu tiến hỗ trợ xây dựng, sửa nhà. Trường hợp chưa có nhà và đang ở nhà thuê, bức xúc về nhà ở sẽ được ưu tiên xem xét cho thuê nhà chung cư.

Cũng trong năm 2018, TP sẽ bố trí cho 100 người khuyết tật có đủ sức khỏe, nhu cầu học nghề sẽ được tư vấn, hỗ trợ học nghề miễn phí theo hình thức chính quy và phi chính quy “cầm tay chỉ việc”. Cùng với đó sẽ hỗ trợ 100 hộ gia đình có người khuyết tật hoàn cảnh khó khăn phương tiện sinh kế phù hợp để tự tạo việc làm, sẽ được vay vốn ưu đãi từ quỹ vốn ủy thác của TP nếu có nhu cầu.

Tất cả trẻ em khuyết tật bẩm sinh sẽ được khám chuyên khoa cho các dạng khuyết tật cho các dạng: sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh, khuyết tật về mắt, tai, thần kinh, vẹo cột sống và các khuyết tật khác. Trẻ em từ 0 - 6 tuổi được khám sàng lọc để sớm phát hiện dị tật bẩm sinh.

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật, TP cũng đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và đội ngũ nhân sự hỗ trợ, như: đảm bảo các công trình công cộng thuộc quyền sở hữu nhà nước và cả của tư nhân phải đảm bảo điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Người khuyết tật sẽ được giảm giá vé, giá dịch vụ khi sử dụng các dịch vụ theo quy định và được tham gia vào các Hội thi văn hóa, thể thao để có cơ hội thể hiện năng khiếu.

Đối với lực lượng giao viên tại các cơ sở giáo dục người khuyết tật sẽ được tập huấn nâng cao trình độ kỹ năng về nhu cầu phát triển cho trẻ em khuyết tật. Hàng năm TP sẽ bố trí cho những trẻ em khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận với mô hình giáo dục hòa nhập hoặc chuyên biệt.

Được biết, kế hoạch triển khai công tác trợ giúp người khuyết tật của UBND TP Đà Nẵng cũng nằm trong chương trình hành đồng vì “thành phố 4 an”.