Đà Nẵng: Nhiều đối tượng lợi dụng đón đầu giải phóng mặt bằng quanh nhà máy thép

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có hiện tượng nhiều đối tượng lợi dụng đón đầu cơ hội đền bù giải phóng mặt bằng tại khu vực quanh hai nhà máy thép DANA – Ý và DANA – ÚC thông qua việc chuyển nhượng đất đai, chia tách sổ xây dựng nhà trái phép.

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại buổi họp báo quý I/2018 của UBND TP Đà Nẵng chiều ngày 10/4. Theo đó, khi UBND TP Đà Nẵng chấp thuận cho hai nhà máy thép đầu tư tại địa bàn xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đã xây dựng phương án di dời các hộ dân sinh sống quanh khu vực này để tạo mặt bằng cho nhà máy sản xuất.
 Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại cuộc họp báo.
Ở thời điểm trước khi nhà máy mới đi vào hoạt động, quanh khu vực này chỉ có khoảng 400 hộ dân sinh sống, nhưng sau khi nhà máy đi vào hoạt động cho đến thời điểm hiện tại quanh khu vực này có khoảng trên 1.400 hộ dân.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, số lượng hộ dân lớn nên TP bị vướng mắc trong việc bố trí tái định cư và đền bù giải phóng mặt bằng nên buộc phải hủy bỏ kế hoạch di dời khu dân cư sống quanh khu vực của hai nhà máy thép vào tháng 3/2018.

Đối với những đối tượng có biểu hiện lách luật để lợi dụng chính sách đền bù giải phóng mặt bằng sẽ được thanh tra điều tra để kết luận mức độ vi phạm và sẽ bị xử lý theo đúng luật định.

“Hiện nay TP đã chỉ đạo tiến hành thanh kiểm tra toàn bộ vấn đề mua bán, chuyển nhượng đất đai tại khu vực quanh hai nhà máy thép, sau khi thanh tra có kết luận rõ ràng, phát hiện những đối tượng có hành vi tiêu cực như chạy chính sách giải tỏa, đón đầu đền bù giải tỏa gây thiệt hại cho nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm” - ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Liên quan đến vụ việc Thành ủy Đà Nẵng cho phép hai nhà máy thép này hoạt động trở lại trong vòng 06 tháng kể từ ngày 26/3 sau hơn 20 ngày tạm đình chỉ hoạt động do người dân xã Hòa Liên nhiều ngày tập trung phản đối sản xuất của hai nhà máy gây ô nhiễm. Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh rằng việc đóng cửa hai nhà máy này trước sau gì cũng phải làm vì vấn đề ô nhiễm đã diễn ra trong nhiều năm.

Trước đó,TP Đà Nẵng cũng đã yêu cầu doanh nghiệp cam kết thay đổi công nghệ trong nấu luyện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, trên thực tế doanh nghiệp đã tiến hành cải tiến công nghệ nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để được tình trạng ô nhiễm.

Cũng theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc dừng hoạt động của nhà máy thì TP cũng phải bàn bạc kỹ lưỡng đối với doanh nghiệp và phải làm theo đúng trình tự của pháp luật, làm sao đảm bảo bảo lợi ích của người dân sinh sống quanh khu vực và giảm thiệt hại tối đa cho doanh nghiệp. Chính vì vậy sau khi có quyết định ngừng hoạt động hai nhà máy thép, Thành ủy Đà Nẵng đã quyết định tiếp tục cho phép hai nhà máy này hoạt động trở lại để giải quyết nguồn nguyên liệu tồn đọng và có thời gian giải quyết vấn đề bồi thường cho người lao động làm việc trong nhà máy.

Không chỉ riêng hai nhà máy thép nói trên, TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo cho một số nhà máy thép khác trong Khu công nghiệp này ngừng hẳn các hoạt động nấu, luyện thép, thay đổi công năng sản xuất cho dù nhà máy có nằm ở xa khu dân cư.

“TP để cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất trong thời gian 6 tháng để giải quyết vấn đề tồn đọng về nguyên vật liệu, đơn đặt hàng của khách hàng, cũng như thu xếp chuyển đổi ngành nghề cho người lao động, sau đó thì sẽ tiến tới chấm dứt hoạt động. Tiếp tục rà soát một số nhà máy khác có nấu luyện nằm trong khu công nghiệp, tuy không nằm trong khu dân cư thì cũng yêu cầu phải chấm dứt hoạt động nấu luyện theo đúng lộ trình cam kết. Và rà soát vấn đề thương thảo hỗ trợ bồi thường cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề bồi thường cho công nhân, theo đúng chế độ của pháp luật” - ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Doãn Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần