Đà Nẵng: “Nóng” vấn đề môi trường đô thị

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại chương trình HĐND với cử tri diễn ra ngày 6/11, nhiều vấn đề “nóng” về môi trường đô thị như tình trạng xả thải ra biển, ô nhiễm bãi rác Khánh Sơn và tại hai nhà máy thép, đặc biệt là tồn tại trong quá trình thu gom rác đã được chính quyền và cử tri TP Đà Nẵng đưa ra bàn luận, nhằm tìm biện pháp giải quyết căn cơ.

Nhiều điểm nóng môi trường

Cử tri Hà Quốc Lân (quận Sơn Trà) nói: “Ô nhiễm môi trường nặng tại khu công nghiệp thủy sản Thọ Quang, cảng cá, âu thuyền (Sơn Trà) khiến dân chúng tôi phải chịu cảnh hôi thối không chịu nổi”.
 Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) – ông Tô Văn Hùng trả lời những vấn đề nóng về môi trường.
Còn cử tri Dương Văn Sáu (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) bức xúc: “Bãi rác Khánh Sơn quá tải, quá khổ, quá lâu, gần 30 năm rồi, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân chúng tôi mong muốn TP sớm có văn bản chính thức trả lời thời gian di dời bãi rác Khánh Sơn. Trong thời gian chờ di dời, TP cần chỉ đạo, kiểm tra các cơ quan ban ngành làm một cách tốt nhất nhằm giảm mùi hôi ở bãi rác. TP cũng cần có những chính sách ưu tiên đặc biệt để hỗ trợ bà con sống quanh khu vực bãi rác”.

Tổng hợp các ý kiến cử tri, ông Nguyễn Thành Tiến – Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng nhấn mạnh đến những tồn tại về môi trường đô thị hiện nay trên địa bàn. “Liên quan đến hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc (huyện Hòa Vang) cũng như âu thuyền thọ Quang (quận Sơn Trà), thời gian qua đã tái diễn tình trạng ô nhiễm. Hay như tình trạng xả thải trực tiếp ra biển vẫn còn tồn tại, gây bức xúc cho người dân cũng như du khách. Ngoài ra, công tác thu gom rác trên địa bàn thời gian qua còn nhiều tồn tại, đó là cách làm của Công ty Môi trường đô thị chưa đồng bộ từ thu gom đến xử lý, dẫn đến gây ô nhiễm cục bộ trên toàn TP”, ông Nguyễn Thành Tiến đề cập.
 Khâu thu gom rác tại Đà Nẵng còn nhiều bất cập
Ông Tiến đề nghị UBND TP cần có kế hoạch, lộ trình công bố cho nhân dân được biết về kế hoạch xử lý các điểm nóng môi trường nêu trên. Cần phải tính toán trong quy hoạch TP cần bố trí quỹ đất cho lĩnh vực môi trường. Ví dụ như khu chuyển rác hay khu xử lý rác.

Những giải pháp căn cơ

Trả lời bức xúc của cử tri, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (TNMT) – ông Tô Văn Hùng nhấn mạnh, TP đang triển khai những giải pháp căn cơ để khắc phục những điểm nóng môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của chính quyền thì giải quyết vấn đề này cần thêm ý thức, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dọc ven biển, đặc biệt là sự chung tay, góp sức của người dân.

Tồn tại ở bãi rác Khánh Sơn, ông Tô Văn Hùng cho biết, ngay sau buổi đối thoại ngày 9/10 giữa lãnh đạo TP và người dân, Sở TNMT đã cho gắn 2 camera để giám sát trực tiếp hoạt động bãi rác. Ngoài ra, đã thu hẹp diện tích chôn lấp dưới 2.000m² theo giai đoạn cam kết; quy hoạch vị trí để có thể chôn lấp rác thải công nghiệp cũng như bùn bể phốt ở phía tây. Bên cạnh đó, trạm xử lý nước rỉ rác với công suất 750m³ đã đưa vào vận hành, thử nghiệm và kết quả quan trắc cho kết quả rất tốt, cải thiện rất nhiều so với cảnh sát môi trường xử phạt.

“Quy trình vận hành bãi rác đã được ban hành ngày 19/10 vừa qua. Việc ban hành quy trình này là cơ sở để các cơ quan chức năng giám sát hoạt động bãi rác”, ông Hùng nói.

Giám đốc Sở TNMT thông tin thêm, dự án Khu liên hiệp xử lý rác do TP đang triển khai với sự tư vấn từ chuyên gia ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á). Sắp tới, Sở TNMT sẽ chủ trì, làm việc 3 buổi với các chuyên gia liên quan đến công nghệ, tiến độ dự án này.
 Bãi biển Đà Nẵng ô nhiễm vì tình trạng xả thải.
Đáng chú ý, Sở TNMT đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP Đà Nẵng một nghị quyết liên quan đến công tác quản lý các bản rác sinh hoạt. Trong đó, đề án phân loại rác sinh hoạt đang được triển khai và kế hoạch đến năm 2020 sẽ triển khai tổng thể trên toàn địa bàn thành phố những bãi rác đầu nguồn. “Đây là giải pháp căn cơ để giải quyết câu chuyện xử lý rác sau này. Bởi nếu không xử lý rác đầu nguồn thì chi phí phải bỏ ra để xử lý rác sau này sẽ rất lớn”, ông Tô Văn Hùng tin tưởng.

Về hai nhà máy thép Dana – Ý, Dana Úc, Sở TNMT đã xử phạt những hành vi vi phạm; đồng thời tạm dừng hoạt động 6 tháng. Tuy nhiên, trong 6 tháng nếu như hai nhà máy này khắc phục được những vi phạm thì có thể cho phép hoạt động lại được.

Liên quan đến hệ thông xử lý nước thải ra biển, lãnh đạo Sở TNMT cho biết trên toàn bộ ven biển TP Đà Nẵng hiện nay, phía đông có 20 cửa xả, phía vịnh Đà Nẵng có 29 cửa xả. Trong đó, dự án thu gom nước thải đưa vào sử dụng từ năm 2007, chỉ với những đường ống thu gom có đường kính 300-600cm. So với thực trạng phát triển xã hội hiện nay thì hệ thống này không tương ứng. Mỗi ngày các cơ sở kinh doanh cũng như khu dân cư xả ra các ống này là 34.500m³. Trong điều kiện bình thường, không mưa thì cơ bản xử lý được, nhưng khi mưa thì xảy ra tình trạng tràn cửa xả là tất yếu.

“TP đang triển khai 3 dự án để xử lý nước thải tràn ra cửa biển, trong đó có một sự án được HĐND TP thông qua chủ trương với gói 1.400 tỷ đồng. Hai dự án còn lại từ gói vốn vay Ngân hàng thế giới đang được triển khai. Nếu 3 dự án này được đưa vào khai thác vào năm 21019-2020 thì tin rằng tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển sẽ được khắc phục”, ông Tô Văn Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, những giải pháp trên mới chỉ là phần ngọn, phần gốc của vấn đề là ý thức, trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dọc ven biển. “Hiện nay, chúng ta có 1.200 cơ sở kinh doanh (có tên) dọc ven biển Mỹ Khê Đông, trong khi chỉ 201 cơ sở kinh doanh qua kiểm tra có giấy pháp cũng như văn bản chấp thuận đấu nối xử lý nước thải. Điều đó có nghĩa, chúng ta đầu tư một hệ thống có bài bản, hiện đại thế nào chăng nữa nhưng rác vẫn cứ xả vào trong ống thì tình trạng này khó xử lý được”, ông Hùng bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần