Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018

Hà Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/4, tại Đà Nẵng diễn ra Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 với sự tham gia của đại diện các Sở ngành, quận huyện, Đoàn thanh niên và các doanh nghiệp trên địa bàn.

 Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 của TP Đà Nẵng sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5, nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cơ sở các cấp, ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 
Hiện nay, Đà Nẵng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, nhập khẩu, lưu thông, kinh doanh thực phẩm để giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Tại lễ phát động, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, các quận, huyện phối hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP; thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, kiểm soát các nguy cơ chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Bên cạnh đó, Ban quản lý ATTP thành phố cần tập trung vào những trọng tâm để thực hiện, như: Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 4 an trên địa bàn thành phố đối với lĩnh vực ATTP; tiếp tục liên kết với các tỉnh để cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố; tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP trong trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt cần chú ý bảo đảm an toàn trong sản xuất rau quả, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ chất lượng ATTP đối với các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường; tăng cường công tác lấy mẫu giám sát đối với các sản phẩm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do các ngành quản lý; nâng cao năng lực quản lý điều hành các hoạt động đảm bảo ATTP của chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể, các cơ quan quản lý điều hành sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp và người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong quản lý ATTP, tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp giám sát của UBMTTQ, các hội, đoàn thể các cấp về công tác quản lý ATTP trên địa bàn.

Những cơ sở kinh doanh thực phẩm thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, kiểm soát các nguy cơ chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, các đơn vị chức năng cần tiếp tục chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, lập danh sách các cơ sở sản xuất, giết mổ, kinh doanh thực phẩm...

Sau lễ phát động, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành các tuyến sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm tươi sống, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, cơ sở sơ chế, chế biến, cung ứng rau, thịt, thủy sản…