Đà Nẵng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững

Hà Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn.

"Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị là Nghị quyết mang tính đột phá đẩy mạnh phát triển và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra sức bật cho du lịch Đà Nẵng thì cần tập trung triển khai các biện pháp thiết thực, gia tăng giá trị du lịch trên địa bàn. Tiềm năng du lịch Đà Nẵng là rất lớn nên thành phố cần bám sát tinh thần của Nghị quyết, từ đó thống nhất trong nhận thức, đề ra định hướng hành động với quy mô lớn hơn và mang tính bền vững", ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết.
 Cầu Rồng, Đà Nẵng

Năm 2017, du lịch Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với năm 2016; phục vụ 74 triệu lượt khách nội địa, tăng 19% so với năm 2016; tổng thu từ du lịch đạt 515.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2016.

Riêng TP Đà Nẵng, theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2017, Thành phố đã đón khoảng 6,6 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch tăng 19% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng thu du lịch ước đạt 19.403 tỷ đồng, tăng 20,6 % so với năm 2016.

Cũng theo thống kê, Thành phố có khoảng 689 cơ sở lưu trú với 28.821 phòng, tăng 114 cơ sở lưu trú với 7.497 phòng so với năm 2016 và có 43 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn. Cùng với cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch của thành phố ngày càng được hoàn thiện, đầu tư nâng cấp với các sản phẩm mới như Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần tài, Công viên Châu Á, Khu tổ hợp vui chơi giải trí Cocobay…

Hiện thành phố có 29 đường bay trực tiếp hoạt động, trong đó có 15 đường bay thường kỳ và 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến đến Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Đài Bắc (Đài Loan), Nhật Bản... Tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, mở thêm các đường bay mới; phối hợp với các hãng, các đoàn làm phim để thực hiện phim quảng bá về du lịch Đà Nẵng; quảng bá video clip ẩm thực Đà thành trên các kênh truyền thông và các trang mạng xã hội...; đưa vào sử dụng ứng dụng du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động (App Danang FantastiCity) và ứng dụng Chatbot.

Song song đó, ngành du lịch còn triển khai quảng bá thông tin, hình ảnh du lịch Đà Nẵng trên Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội; tiếp tục xuất bản bản đồ du lịch, ấn phẩm du lịch Đà Nẵng tiếng Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc; tổ chức cuộc thi ảnh “Tuyệt vời Đà Nẵng ơi!”; tiếp tục quảng bá, tuyên truyền bộ quy tắc ứng xử du lịch trên địa bàn thành phố tại các cơ sở lưu trú, khu điểm tham quan du lịch…

Thời gian qua, ngành du lịch thành phố tập trung nâng cao chất lượng du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bảo đảm môi trường du lịch an ninh, an toàn, sạch đẹp, thân thiện và mang tính bền vững. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới có sức cạnh tranh cao. Ưu tiên phát triển theo nhóm sản phẩm như nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, du lịch hội nghị/hội thảo (M.I.C.E); nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, làng nghề; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch thể thao giải trí biển…

Bên cạnh đó, bảo đảm an ninh trật tự; chống chèo kéo, đeo bám du khách, vi phạm về giá dịch vụ, vệ sinh môi trường tại các khu trung tâm thành phố, tuyến đường ven biển, các khu điểm du lịch, các điểm tập trung đông du khách; thường xuyên thanh kiểm tra các hoạt động du lịch tại các khu điểm du lịch, bãi biển du lịch, các điểm du lịch tự phát; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các thị trường khách trọng điểm nhằm bảo đảm môi trường du lịch lành mạnh, bền vững…

Trước đây, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón 2 triệu lượt khách quốc tế. Nhưng du lịch Đà Nẵng đạt mục tiêu sớm hơn 3 năm khi năm nay, Đà Nẵng đã đón khoảng 2,3 triệu lượt khách quốc tế.
 Cầu Thuận Phước
Năm 2018, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục nỗ lực bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, phấn đấu ngày càng phát triển, chuyên nghiệp, thể hiện vai trò đầu tàu của Đà Nẵng ở khu vực miền Trung, khẳng định vị trí của thành phố Đà Nẵng là điểm đến an toàn, thân thiện và chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, đón tiếp du khách.

Qua đó, phấn đấu đến năm 2020, du lịch Đà Nẵng cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch biển cao cấp, mang tầm quốc gia và quốc tế. Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 đón từ 8,9 - 9,35 triệu khách du lịch, trong đó có khoảng 3 - 3,5 triệu khách quốc tế và 5,85 triệu khách nội địa; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 13,7 - 14,8%. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 36.400 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch và GRDP thành phố đạt khoảng 25%. Để đạt những điều đó, đề nghị các cấp, các ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Chính phủ; của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch của thành phố đến người dân cũng như du khách để có nhận thức đúng và nhận thức rõ về vai trò của ngành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị.

Đà Nẵng tập trung đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch theo hướng bền vững; cơ cấu lại ngành du lịch, đảm bảo chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; triển khai hướng dẫn thi hành Luật Du lịch năm 2017 đến cán bộ công chức, người lao động và doanh nghiệp du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch…, ông Minh cho biết thêm.