Đà Nẵng sẽ tiếp tục tinh giản 10% biên chế

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, UBND TP vừa ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017 trên địa bàn và đặt mục tiêu trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 sẽ tinh giản ít nhất 10% biên chế trên toàn TP.

Tinh giản đội ngũ biên chế

Kế hoạch này được UBND TP Đà Nẵng rà soát và đưa vào thực hiện trong giai đoạn 2015 – 2021. Tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 phải tối thiểu là 10% biên chế của TP, đối tượng tinh giản biên chế là các cơ quan, tổ chức đơn vị trực thuộc Thành ủy và UBND TP quản lý. TP Đà Nẵng sẽ tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức các cơ quan đơn vị. Chỉ thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp thực hiện nhiệm vụ mà các tổ chức tư nhân không thể thực hiện và thực hiện không hiệu quả. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.
 Đà Nẵng sẽ tiếp tục tinh giản biên chế trong cơ quan hành chính.
Đặc biệt, trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động: phấn đấu tinh giản biên chế của cả giai đoạn 2015 - 2021 đạt tối thiểu 10% biên chế so với biên chế được giao năm 2015 của địa phương. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, ngay từ cuối năm 2016, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn xây dựng đề án vị trí việc làm cho hơn 160 cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công tác xây dựng Đề án vị trí việc làm và Đề án tinh giản biên chế tại các sở, ban, ngành và các chi cục, ban, đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Đại điện Lãnh đạo Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, nhiều đơn vị khi xây dựng Đề án tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn chung chung, chưa nêu cụ thể số lượng người dự kiến tinh giản, lộ trình, kế hoạch tinh giản và phương án tinh giản hằng năm để đến năm 2021, thực hiện được mục tiêu tinh giản tối thiểu 10% biên chế hành chính, sự nghiệp theo quy định.

Ông Trần Viết Hòe – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho biết, hiện nay việc sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập. Một số bộ phận ít việc nhiều người, tình trạng thừa không chỉ ở đội ngũ cán bộ mà đội ngũ lãnh đạo cũng có những cơ quan thừa, vượt quá quy định. Việc tinh giản biên chế phải thực hiện một cách quyết liệt và theo lộ hình phù hợp với sự phát triển của TP để nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức, vì hiện nay vẫn còn một số cán bộ công chức trên địa bàn làm việc với tinh thần quan liêu, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đối với Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí, UBND TP Đà Nẵng giao cho Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ báo cáo UBND TP việc thực hiện Chương trình này. Cụ thể, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải thực hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành với những kết quả cụ thể.

Trong đó, yêu cầu công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng tài sản công; công khai các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, lao động, thời gian lao động và tài nguyên để bảo đảm thực hành tiết kiệm, ngăn chặn và phòng ngừa lãng phí. Chống lãng phí trong mua sắm tài sản nhà nước, trong lĩnh vực chi xây dựng cơ bản, trong việc sử dụng tài nguyên…

Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương, trong đó phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, sử dụng xăng, xe, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào, không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia; Không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu khả thi. Từng bước chuyển việc bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên sang thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu.