Đà Nẵng thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng

HẠNH NHUNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 24/6, GTVT TP Đà Nẵng cho biết, sau khi khảo sát mô hình xe đạp từ các nước phát triển, tham vấn nhiều đơn vị và thực trạng của TP, Sở GTVT chọn quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà để áp dụng thí điểm hệ thống xe đạp công cộng.

Tại TP Đà Nẵng, số phương tiện ô tô tăng cao trên 10% trong năm 2018. Theo báo cáo năm 2019, TP tăng 110 km đường so với năm 2017. Năm 2019 tăng thêm trên 11.000 xe ô tô, 50.000 xe máy. Tính đến thời điểm này, TP đã có hơn 80.000 xe ô tô, gần 900.000 xe máy. Như vậy, bình quân cứ 1 người dân Đà Nẵng sở hữu gần 1 xe máy (chưa kể người già và trẻ em sơ sinh).
Để giải quyết áp lực về sự gia tăng của phương tiện cơ giới cá nhân. Sở GTVT đã có những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng trên. Sở đang xúc tiến nghiên cứu dự án Thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm TP nhằm cung cấp một loại hình giao thông giá rẻ và thuận tiện, tăng tính kết nối, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận xe buýt được thuận lợi hơn, dần thay thế thói quen sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân để di chuyển, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do khí phát thải và giảm lượng tiêu thụ xăng dầu cho toàn TP. Bên cạnh đó, phát triển loại hình dịch vụ thân thiện với môi trường, khuyến khích các hoạt động nâng cao sức khỏe là xu hướng chung của các thành phố du lịch trên thế giới, giúp quảng bá hình ảnh đẹp của thành phố du lịch Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhờ thu hút lượng lớn khách du lịch.
 Đà Nẵng sắp thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng.
Dự án thí điểm xe đạp công cộng sẽ được Sở GTVT áp dụng tại quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà. Dự kiến giai đoạn đầu sẽ đầu tư khoảng 30-40 điểm đặt xe đạp, mỗi điểm đặt 5-10 xe tùy thuộc vào nhu cầu dự kiến, ưu tiên vị trí các điểm đặt xe đạp trên các tuyến đường trọng điểm, gần trạm chờ xe buýt để kết nối về với hệ thống vận tải công cộng, kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn TP và khu vực đông dân cư. Các trục đường ưu tiên đặt điểm đặt xe đạp và xây dựng hạ tầng, làn đường dành riêng cho xe đạp gồm: Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Thoại.
 Cùng với đó, với sự phát triển công nghệ thông tin, việc xây dựng một hệ thống xe đạp thông minh với sự hỗ trợ quản lí và vận hành bằng công nghệ thông tin rất đơn giản, dễ sử dụng, khuyến khích người dân sử dụng công nghệ trong đời sống, nâng tầm nhận thức và xây dựng văn hóa nếp sống đô thị thông minh trong tương lai.
Người dùng sau khi tải ứng dụng về sẽ quét mã QR code để mở khóa xe đạp để sử dụng. Cước phí thanh toán tương ứng với thời gian sử dụng (tính theo giờ, theo ngày hoặc theo tháng). Người dùng sau khi sử dụng có thể trả xe tại trạm hoặc ở bất cứ nơi nào được phép để xe đạp. Trong trường hợp không trả ở trạm, hệ thống sẽ thu thêm một khoản phí thu gom xe đạp ngoài trạm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần