Đà Nẵng thông qua nhiều chính sách an sinh xã hội

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Đà Nẵng đã thông qua một số tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình HĐND TP ở kỳ họp thứ 9 sắp tới. Phần lớn dự thảo liên quan đến chế độ chính sách an sinh xã hội.

Năm 2023, cơ bản không còn hộ nghèo
Sở LĐ-TBXH đã trình UBND TP Đà Nẵng thông qua tờ trình và dự thảo Nghị quyết về đề xuất phương án chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều và một số chính sách nhằm thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững áp dụng cho giai đoạn 2019-2023.
Theo đề xuất mức chuẩn hộ nghèo được xác định cao hơn mức chuẩn hộ nghèo của trung ương, phân chia thành hai khu vực. Khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.300.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.600.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số trở lên/12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (từ 30 điểm trở lên/100 điểm).
Tại khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống hoặc có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 1.900.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số trở lên/12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (từ 30 điểm trở lên/100 điểm).
 
 TP Đà Nẵng đã thông qua nhiều nhiều dự thảo liên quan đến chính sách an sinh xã hội. Ảnh: Q.Hải
Hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn được xác định là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.600.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số/12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (dưới 30/100 điểm); khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.500.000 đồng đến 1.900.000 đồng và thiếu hụt dưới 3 chỉ số/12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (dưới 30/100 điểm).
Với việc xác định như trên thì tổng số hộ nghèo toàn thành phố được xác định là 20.249 hộ, chiếm tỷ lệ 7,47% tổng số hộ dân cư. Con số này thấp hơn so với tổng số hộ nghèo được tính theo chuẩn cũ năm 2016, thành phố có 23.276 hộ, chiếm tỷ lệ 7,92%). TP đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo nhằm nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều xuống còn 3,51%, bình quân giảm 1,0-1,5%/năm), đến năm 2023, Đà Nẵng cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố.
Nhiều chính sách nhân văn
Một trong những chính sách nhân văn được UBND TP Đà Nẵng thông qua các dự thảo chuẩn bị trình kỳ họp thứ 9 của HĐND TP là các mức chi và chế độ hỗ trợ công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện trên địa bàn.
Theo đó, người đang chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập (học viên) được hỗ trợ tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân bằng 1,3 mức lương cơ sở/học viên/năm.
Tiền văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hoạt động vui chơi giải trí: Ngoài mức chi cho mỗi học viên theo quy định chung, ngân sách TP cân đối bố trí kinh phí để mua sắm, sửa chữa các dụng cụ thể thao, trang thiết bị phục vụ văn nghệ và tổ chức hội thi, hội diễn phục vụ các học viên cai nghiện với mức tối đa không quá 200.000.000 đồng/năm.
Đối với người chấp hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng cũng được miễn các khoản đóng góp về chi phí khám sức khỏe; xét nghiệm phát hiện chất ma túy; các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều trị cắt cơn và tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện. Đồng thời, những người được phân công theo dõi, quản lý người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng và người được phân công theo dõi, giúp đỡ, giáo dục, quản lý người sau cai nghiện tại nơi cư trú 350.000 đồng/người/tháng (tính theo đối tượng cai nghiện)
Liên quan đến việc điều trị quản lý người nghiện ma túy, UBND TP Đà Nẵng cũng thông qua quy định chính sách trợ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn. Theo đó, những người làm công việc trực tiếp (người làm công tác chuyên môn y tế, quản giáo, quản lý an ninh trật tự, tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, dạy nghề, dạy văn hóa, hướng dẫn lao động trị liệu, vận chuyển và nhân viên dinh dưỡng) được hưởng mức trợ cấp cao nhất là 10.000.000 đồng/người/tháng (bác sĩ); người làm công việc gián tiếp được hưởng mức cao nhất là 7.000.000 đồng/người/tháng.
UBND TP Đà Nẵng cũng thông qua tờ trình và dự thảo Quy định chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người có công với cách mạng đang phụng dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng Người có công cách mạng và chính sách hỗ trợ đối với bộ đội phục viên, xuất ngũ bị bệnh tâm thần tại cộng đồng.
Cụ thể, 55 cụ già yếu Người có công với cách mạng đang phụng dưỡng sẽ được hỗ trợ tiền ăn theo mức 1.500.000 đồng/người/tháng. Bộ đội phục viên, xuất ngũ bị bệnh tâm thần tại cộng đồng trên địa bàn, chưa được hưởng các chính sách trợ cấp hàng tháng được hỗ trợ hàng mức 1.000.000 đồng/người/tháng, 100% mức đóng bảo hiểm y tế (trừ những người đang được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định) và hỗ trợ chi phí mai táng: 20 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định tại Nghị quyết số 134/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 của HĐND TP (trừ những người đang được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định).
Quy định này nhằm thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đối với những người có công với đất nước. Tổng cộng kinh phí dành thực hiện chính sách này là trên 3,5 tỷ đồng/năm, tăng hơn so với quy định trước đây khoảng 1.368 triệu đồng.