Đã quyết phải làm đến cùng

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa mấy chục năm trước, còn lo nhà máy quá xa khu dân cư , khó khăn cho công nhân đi lại; thoắt đấy nhà máy, khu công nghiệp, nghĩa trang,… đã lọt giữa trung tâm, không thể không di dời nhanh chóng vì ô nhiễm, vì tiếng ồn, vì nước thải, vì tâm linh…

Khó có thể chấp nhận giữa TP chúng ta còn nghĩa trang Văn Điển, khu Cao su - xà phòng - thuốc lá, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khói bụi ô nhiễm, tiếng ồn, nước thải…ở xen lẫn với khu dân cư đông, chật. Bên cạnh khu nhà máy công nghiệp, hàng loạt các bệnh viện đêm ngày thải ra môi trường nguồn vi khuẩn gây bệnh chéo, nguồn chất thải y tế độc hại và các“ xưởng sản xuất gia đình” lẫn trong khu dân cư, công suất bé nhưng ô nhiễm lớn.
Không chỉ ô nhiễm môi trường sống, các cơ sở trên và các cơ quan, trường học, điểm vui chơi công cộng là thủ phạm của tình trạng kẹt xe giao thông, tăng dân số và rất nhiều vấn để về trật tự, an ninh đô thị khác. Tuy nhiên, tại Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong các quận nội thành Hà Nội, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ khá cụ thể. Và nếu như danh mục trên thực hiện nghiêm túc, sẽ có hàng triệu người không có nhu cầu ở trong TP. Cái lợi đã thấy rõ, không phải nói nhiều và dân rất tán thành việc di chuyển các cơ quan, bệnh viện, trường học, nhà máy theo chủ trương quyết liệt của TP. Nhưng vì sao chuyện đã mười năm rồi mà vẫn ì ạch? Có thể kể ra đây mấy lý do.Thứ nhất là thiếu vốn. Để di dời Bộ GTVT khỏi mảnh đất vàng trong nội thành, cần ít nhất 12.000 tỷ đồng để chi phí cho nơi mới. Nhà nước không có tiền chi, phải “xã hội hóa” với các công ty. Mà công ty nào cũng vậy, bỏ ngần ấy tiền ra trước tiên là để họ xây khách sạn, nhà hàng, khu đô thị. Nhưng quy định lại không cho làm, vì như thế thà để Bộ GTVT ở… chỗ cũ còn hơn.Thế là bế tắc.Thứ hai, xưa trong chiến tranh, trong bao cấp, động viên nhau khắc phục khó khăn chung, có cán bộ chỉ 0,5 mét, có  Vụ làm việc ngoài hành lang, có Cục trưởng không có phòng, phải ở nhà vệ sinh cải tạo lại cũng xong. Bệnh nhân thì nằm chật mấy, khó khăn mấy cũng không ai kêu ca gì. Nay khác, xây nơi mới hay phân lại diện tích là phải căn cứ vào tiêu chuẩn. Mỗi cán bộ, công nhân viên cần bao nhiêu mét vuông để ở, làm việc và đi lại, vui chơi đã quy định rõ ràng, không đủ không xong. Nhưng chỉ căn cứ vào đó thì cả diện tích cũ và diện tích mới xây cộng lại vẫn chưa đủ, chưa bàn đến nơi ở, nghỉ ngơi. Ví thế, nhiều đơn vị như KH&CN, Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai… dù có nơi mới, vẫn “một tấc không đi, một ly không dời” và xem ra nhiều cơ quan khác cũng vậy. Thứ ba, thiếu kiên quyết, đồng bộ giữa các cơ quan Nhà nước. Lấy thí dụ như quận Hai Bà Trưng, có hai nhà máy là Dệt kim Đông Xuân và Bia Halida. Mặc dù đã được phân địa điểm mới và đã xây dựng xong, hai nhà máy trên vẫn chây ì, ở lẫn với khu dân cư, gây ô nhiễm khói bụi, tiềng ồn, nước thải hàng chục năm nay, không hiểu vì sao vẫn chưa kiên quyết dứt điểm. Ở đây có sự thiếu kiên quyết, đồng bộ, không loại trừ tình trạng đổ vấy trách nhiệm hoặc lợi ích nhóm.
Trong khi cứ lao vào nhiều việc phức tạp chưa có cách tháo gỡ thì chúng ta bỏ bẵng một việc mà giải quyết được nó, sẽ giải quyết được nhiều việc khác. Thiếu cơ chế đặc thù chăng? Có thể, nhưng trước hết hãy nhận những thiếu sót do chủ quan. Hãy coi việc di dời ra khỏi TP những cơ sở không đáng để  tồn tại, như bao TP khác trên thế giới, nghĩa là làm đến cùng, không đánh trống bỏ dùi xem sao.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần