Đa Sỹ giữ nghề, đổi mới sản phẩm

Bài, ảnh: Quang Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng rèn Đa Sỹ thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông là một làng Việt Cổ có gần 1.000 năm lịch sử nổi tiếng với nghề rèn truyền thống.

Qua bao thăng trầm của thời gian, những người dân trong làng vẫn gìn giữ và phát triển được nghề của ông cha để lại.
Từng bước hiện đại hóa sản xuất
Hiện tại, làng rèn Đa Sỹ có hơn 1.000 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động trong và ngoài địa phương. Trên địa bàn phường có 24 tổ dân phố thì có 7 tổ dân phố đang tham gia làm nghề. Trước đây, tất cả các công đoạn sản xuất từ cắt phôi, quai búa, rèn, làm nóng, làm nguội đến tôi màu sản phẩm đều chủ yếu dựa vào sức người. Cùng với quá trình phát triển, việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất để nâng cao hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng nhiều. Theo đó, người làm nghề rèn Đa Sỹ đã đưa máy tạo phôi, máy dập búa, máy mài, máy pha khúc... vào các công đoạn sản xuất, cho hiệu quả kinh tế rất lớn. Việc đưa máy móc thay thế một số công đoạn trong dây chuyền sản xuất đã đưa năng suất lao động tăng từ 15 - 20 lần so với làm thủ công. Bên cạnh đó, đối với những phần việc máy móc chưa thể thay thế được, người thợ rèn Đa Sỹ vẫn cần mẫn, tỉ mỉ làm bằng đôi tay khéo léo và tâm huyết vào từng sản phẩm.

Ông Hoàng Văn Hùng gia công sản phẩm tại xưởng gia đình.

Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ hiện nay rất đa dạng, phong phú, đã có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc và cũng được xuất khẩu đi một số nước như Lào, Campuchia, Đức... Những sản phẩm của làng rất gần gũi với đời sống, sản xuất hàng ngày của người dân như dao, kéo, đục... Song song với sự đa dạng về mẫu mã và chủng loại là sự khẳng định về chất lượng, người thợ Đa Sỹ luôn chú trọng tới độ bền của mỗi sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của làng nghề luôn được người tiêu dùng tin tưởng.
Mong mặt bằng đủ rộng
Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đa Sỹ Hoàng Văn Hùng là một trong số 3 người làng Đa Sỹ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề. Ông là người đầu tiên trong làng đưa máy móc vào sản xuất. Ông Hùng cho biết, hiện 100% cơ sở và hộ gia đình trong làng đã đưa máy móc vào sản xuất. Hiện nay, ông Hùng là chủ cơ sở sản xuất Hùng Sơn với 5 lao động chính chuyên sản xuất dao, trong đó có 3 thợ đứng máy và 2 thợ hoàn thiện. Mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất được 500 dao con so với khoảng 150 dao/ngày trước đây. Với giá bán hiện tại là 7.000 đồng/dao, thu nhập của người lao động trung bình đạt là 200.000 đồng/ngày, thợ lành nghề đạt 300.000 đồng/ngày. Sản phẩm của cơ sở làm đến đâu bán hết đến đó và có mối đến tận nơi đặt mua nên luôn đảm bảo việc làm thường xuyên cho nhân công.
Dù đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2001 nhưng đến nay, người làng Đa Sỹ vẫn chưa có khu sản xuất riêng biệt. Theo ông Hùng, năm 2003, Đa Sỹ đã được quy hoạch 15ha đất để xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề nhưng đến nay khu này vẫn chưa thể hoạt động. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng Đoàn Văn Đức cho hay, mong muốn của người dân là có mặt bằng đủ rộng để đầu tư, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất. Đặc biệt là để hình thành một dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên mong muốn này của người làng nghề không biết đến bao giờ mới thành hiện thực?
Việc chưa có khu sản xuất tách biệt khu dân cư và đảm bảo mặt bằng đã phần nào hạn chế khả năng phát triển của làng nghề Đa Sỹ. Mặt khác, những hoạt động xen kẽ của làng nghề như hiện nay ít nhiều ảnh hưởng tới đời sống người dân bởi môi trường tiếng ồn, bụi bẩn và nhiều vấn đề liên quan phát sinh trong quá trình sản xuất.           

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần