Đã tới lúc Facebook cần học sự tôn trọng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nửa cuối tháng 6/2020 đến nay đang là quãng thời gian thực sự khó khăn với Facebook khi mạng xã hội lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với một làn sóng tẩy chay chưa từng có trong lịch sử của mình.

Với chiến dịch #StopHateForProfit, hàng loạt đối tác kinh doanh, những đơn vị đang tạo nên doanh thu cho Facebook đã đồng loạt ngừng hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội này.
Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc chậm chạp, thiếu trách nhiệm của Facebook trong việc xử lý ngôn từ kích động và thông tin sai lệch đang được người dùng đăng tải tràn lan. Có thể liệt kê ra hàng loạt các nhãn hàng đình đám đã tham gia vào chiến dịch tẩy chay như: Coca-Cola, Unilever, Starbucks, Ford, Adidas hay HP.
Tính đến hiện tại đã có khoảng 100 DN ngừng các hoạt động quảng cáo trên Facebook và khoảng 200 đơn vị khác đang dự kiến sẽ thực hiện hành động tương tự trong thời gian tới. Đây được xem là một đòn mạnh đánh vào mảng đang mang lại doanh thu lớn nhất về cho Facebook, ước tính khoảng xấp xỉ 70 tỷ USD/năm.
Không chỉ thiệt hại về tài chính, sau mỗi đợt "scandal", Facebook lại mất đi một lượng người dùng đáng kể. Theo nhiều chuyên gia về mạng xã hội khẳng định, với lần tẩy chay Facebook có quy mô lớn này sẽ mở ra cơ hội để các đối thủ cạnh tranh khác được hưởng lợi. Nhanh chóng đưa ra cam kết cùng hành động mạnh tay với ngôn từ kích động và thông tin sai lệch sẽ giúp các mạng xã hội khác thu hút không ít người dùng vốn đã chán nản với những gì đang diễn ra trên Facebook.
Đứng trước cuộc khủng hoảng có nguy cơ ngày càng lan rộng, Facebook đã bắt buộc phải đưa ra những thay đổi đầu tiên trong chính sách của mình, điều rất khó có được nếu như mạng xã hội này không phải đối mặt với vấn đề thực sự nghiêm trọng.
Cụ thể, CEO Mark Zuckerberg đã cam kết sẽ thay đổi chính sách, tiến hành các bước nhằm loại bỏ nội dung gây thù địch trong quảng cáo cũng như thúc đẩy vấn đề bình đẳng sắc tộc. Từ đó có thể thấy, nếu như tạo được một áp lực đủ lớn, một DN xuyên biên giới nổi tiếng "cứng đầu" như Facebook cũng sẽ bắt buộc phải có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. Một chiến dịch tương tự như #StopHateForProfit là điều rất cần thiết ở Việt Nam.
Những năm trở lại đây, các nội dung độc hại như tin giả, tin sai sự thật, phạm pháp, kích động bạo lực... luôn xuất hiện dày đặc với tần suất cao trên Facebook, điều này đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với người dùng. Mặc dù liên tục nhận được sự phản ánh của người dùng cũng như yêu cầu hợp tác ngăn chặn của các cơ quan chức năng nhưng tình trạng cũng không được cải thiện là mấy.
Thậm chí quá trình xử lý từ Facebook cũng mất rất nhiều thời gian từ 1 - 2 ngày, từ đó tạo điều kiện cho kẻ gian có thể thoải mái phát tán những thông tin độc hại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Có lẽ, đã đến lúc, song hành cùng với các chế tài mà pháp luật, người dùng cũng như DN trong nước cần thể hiện một cách rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn và trực diện hơn tương tự như #StopHateForProfit nhằm yêu cầu mạng xã hội này phải học cách tôn trọng Việt Nam nếu như đã hoạt động và kinh doanh tại đất nước này. Từ đó cũng sẽ tạo nên một môi trường mạng xã hội sạch sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng chứ không phải đầy vẩn đục như hiện tại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần