Đặc sản vùng miền đắt hàng mùa Tết

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Tại nhiều siêu thị, các mặt hàng Tết khá phong phú với đủ các loại đặc sản gốc Bắc, Trung, Nam đáp ứng thị hiếu ẩm thực của người tiêu dùng

Đủ loại đa dạng

Đại diện một số siêu thị cho biết, nhiều loại đặc sản các nhiều vùng miền khác nhau như bánh chưng gấc (miền Nam), chả bò Đà Nẵng, măng ngâm mắc mật (Lạng Sơn), bánh nẳng (Vĩnh Phúc)… đã được chuẩn bị từ nhiều tháng nay. Tuỳ vào vị trí địa lý của từng siêu thị, hệ thống sẽ sắp xếp cơ cấu đặc sản vùng miền phù hợp, giá cả cũng không có nhiều biến động lớn. Trong khi các loại măng được bán khá nhiều, các món ăn chế biến sẵn mang hương vị đặc trưng miền Bắc như: Giò lụa, giò bò, giò thủ, chả cốm (180.000 - 250.000đ/kg), thịt đông, cá chép kho riềng, chân giò nấu giả cầy, ốc nấu chuối… (30.000 - 60.000đ/hũ) lượng bán ra cũng tăng đáng kể. Ngoài ra, còn có các món đặc sản thường gặp mùa Tết như trà Thái Nguyên, trà móc câu Tân Cương… nếp cái Bắc có giá 40.000 đồng/kg, nếp nương 45.000 đồng/kg, nem chua 55.000 đồng/chục, nem Phùng 35.000 đồng/gói, giò bê 380.000 đồng/kg, trái phật thủ 240.000 đồng/quả...

Bên cạnh các điểm bán hàng Tết, các siêu thị, dạo quanh các chợ trên mạng như: Muare, sieuthitainha, vatgia các bà nội trợ cũng có thể dễ dàng đặt mua được những món đồ phục vụ cho ngày Tết. Mặt hàng hạt dưa, bưởi Diễn, cam Canh, măng rừng, mộc nhĩ rừng, thịt lợn lửng, thịt trâu, thịt bò gác bếp, rượu cần, cơm lam... được rất nhiều người order (đặt hàng). Nhìn chung, đặc sản Tết năm nay giá tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Một số cửa hàng kinh doanh đặc sản cho biết nếu khách hàng không đặt mua sớm thì có thể đặc sản sẽ tăng giá vào thời điểm giáp Tết, do chi phí vận chuyển tăng lên.

Đặc sản Tết siêu độc - siêu hiếm - siêu đắt

Để có được những món ngon, nhiều bà nội trợ đã "săn" tìm đặc sản bằng mọi cách như: Đặt hàng qua mạng, nhờ người quen đi nước ngoài xách tay mang về, lên miền núi tự mua... Và, đặc biệt hơn cả, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế còn tìm những món ăn đặc sản trị giá tiền triệu.

Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, cứ đến Tết Nguyên đán là "cơn sốt" gà Đông Tảo (còn gọi Đông Cảo) lại rộ lên. Năm nay, những con gà Đông Tảo bán làm quà biếu Tết, xấu mã thì cũng có giá lên đến 5 triệu đồng/con, riêng những con gà có cặp chân càng to, màu lông đẹp, mào đỏ, giá có thể lên đến cả chục triệu đồng/con. Giá đắt như vậy, nhưng vì thịt ngon và quan niệm cho rằng, nếu có gà Đông Tảo để cúng trong đêm Giao thừa thì năm đó sẽ làm ăn phát đạt nên gà Đông Tảo vẫn là một trong những đặc sản được nhiều người lùng mua.

Cũng thuộc loại đặc sản "sang chảnh" được giới giàu có săn lùng mỗi khi Tết về là cá kho Đại Hoàng, chuối Tiến vua, làng hoa Phù Vân của Hà Nam. Rồi bưởi hồ lô, lần đầu xuất hiện trên thị trường quà Tết cách đây 2 - 3 năm nhưng vẫn chưa hết sức nóng. Bưởi hồ lô có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/cặp. Hay như tỏi một nhánh Lý Sơn được mọi người đặt cho cái tên độc đáo là tỏi "cô đơn" hay "tỏi mồ côi". Tại địa chỉ ở Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội, tỏi "cô đơn" được rao bán giá 600.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mặt hàng này đã "cháy" hàng từ tháng trước.

Nằm trong xu hướng lựa chọn những món quà thật sang, nhiều người cũng lựa chọn những loại thực phẩm được xếp vào hàng "cao lương mĩ vị" làm món quà biếu Tết của mình, như: Tổ yến sào, vi cá mập, hải sâm, tuyết giáp...

Hàng trăm mặt hàng đặc sản ba miền góp mặt vào thị trường thực phẩm Tết năm nay đã tạo nhiều chọn lựa cho người tiêu dùng. Dự báo cận Tết, sức mua tăng cao, giá các đặc sản sẽ tăng khoảng 5 - 15%.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần