Xét xử đại án Oceanbank: Hà Văn Thắm khẳng định thuộc cấp không tham ô 49 tỷ đồng

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bước sang ngày thứ 7 xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm, sáng 6/9, HĐXX cùng các luật sư thẩm vấn xoay quanh cáo buộc cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn tham ô 49 tỷ đồng.

Trả lời tại phiên tòa, Hà Văn Thắm khẳng định Nguyễn Xuân Sơn không tham ô số tiền này.
Nguyễn Xuân Sơn không thừa nhận tham ô
Theo cáo trạng, trong số 246 tỷ đồng chi cho Nguyễn Xuân Sơn để chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của PVN theo yêu cầu của Sơn đã bị Sơn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt. Theo tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu (PVN góp vốn tương ứng 20% vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Dương), trong số 246 tỷ đồng ông Sơn chiếm đoạt 49 tỷ đồng là tiền của Nhà nước mà Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện quản lý. Cáo trạng cho rằng hành vi chiếm đoạt 49 tỷ đồng này của Sơn đã cấu thành tội “Tham ô”.
 Các bị cáo tại phiên tòa ngày 6/9. (ảnh: Đạt Lê).
Trình bày tại tòa, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn cho biết: “Về tâm trạng, bị cáo hết sức bàng hoàng. Về đạo đức, tư cách từ xưa đến giờ làm cái gì chỉ làm những cái gì có lợi cho doanh nghiệp, PVN. Trong ý tưởng bị cáo cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc này”. Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cũng trình bày tại tòa, bị cáo này cho rằng không thể tham ô của Oceanbank vì không có quyền hạn trách nhiệm.
Liên quan số tiền chi 246 tỷ đồng cho Nguyễn Xuân Sơn, trong đó có khoản 49 tỷ đồng bị quy kết tội tham ô, 197 tỷ đồng là Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, luật sư đặt câu hỏi với Hà Văn Thắm. Bị cáo Thắm cho rằng số tiền 246 tỷ đồng là để chi chăm sóc khách hàng, chứ không phải tham ô. Theo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn đã chuyển cho các đối tác. “Giả thiết, chỉ là giả thiết thì bị cáo Sơn không thể tham ô 49 tỷ. Trong 246 tỷ của Oceanbank không thể có 49 tỷ của dầu khí (PVN giữ 20% cổ phần tại Oceanbank)".
Cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank lý giải, nếu tính riêng khoản tiền này thì còn trích lập dự phòng, các chi phí khác, thuế… sau đó mới chia cổ tức. Thắm cho rằng, nếu nói Sơn chiếm đoạt và tham ô thì ở đây thể hiện ở việc giảm cổ tức của PVN được hưởng. Về việc chi số tiền 246 tỷ đồng, theo Thắm bị cáo có đủ biện pháp để kiểm soát Sơn. Thắm nói có thể theo dõi từng hành động của Sơn để không thể chiếm đoạt tiền.
Truy vấn ai người đại diện góp vốn của PVN?
Tại phiên tòa xét xử đại án OcanBank, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng dù làm Tổng Giám đốc Oceanbank nhưng bản thân ông chưa một lần làm người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí (PVN) tại ngân hàng này. Bị cáo Sơn cho biết, kể từ khi chính thức góp vốn 20% vào Oceanbank năm 2008, PVN đã cử ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng Giám đốc  PVN, làm người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank, sau đó bà Nguyễn Thị Thanh Hương được cử làm người đại diện thay ông Sự.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) – bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đặt câu hỏi với thân chủ: “Anh có biết khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) bắt đầu góp vốn vào Oceanbank thì cử ai làm người đại diện phần vốn góp?”. Bị cáo Sơn trả lời: “Tôi có giới thiệu nhưng chưa có quyết định, chỉ có công văn giới thiệu”.
 Tại phiên tòa Nguyễn Xuân Sơn không thừa nhận là đại diện góp vốn của PVN. Hà Văn Thắm cũng cho rằng ông cựu Tổng Giám đốc Oceanbank không có tư cách làm người đại diện góp vốn. (ảnh: Đạt Lê).
Còn theo đại diện PVN, theo quy chế người đại diện vốn thì có thể dùng quyết định hoặc công văn giới thiệu, đây chỉ là hình thức về mặt pháp lý và có giá trị như nhau. Việc giới thiệu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn có hai giai đoạn: Quyết định 2649 ngày 23/10/2008 cử ông Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) làm đại diện vốn 12% và Nguyễn Xuân Sơn làm người đại diện vốn 8%. Sau đó, quyết định này được thay thế bằng Quyết định 3190 ngày 29/12/2008, trong đó nêu rõ chỉ cử ông Sự làm người đại diện vốn. Ở giai đoạn sau, ngày 10/5/2011, PVN có công văn 1038 giới thiệu ông Sơn đại diện phần vốn góp tại Oceanbank. Theo vị đại diện này, dùng "quyết định" hoặc "công văn giới thiệu" chỉ là hình thức pháp lý.
Tuy nhiên, bị cáo Sơn vẫn khẳng định mình không phải là đại diện vốn của PVN và cho rằng đại diện PVN trả lời không thỏa đáng về mặt pháp luật, quyết định mà chưa công bố thì chưa có giá trị.
Cũng tại tòa, Hà Văn Thắm cũng thừa nhận mặc dù có văn bản giới thiệu nhưng Nguyễn Xuân Sơn không có tư cách làm người đại diện và chỉ đơn thuần là giai đoạn quá độ từ ông Sự sang bà Hương, ông Sơn không tham gia cuộc họp HĐQT nào với tư cách đại diện vốn của PVN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần