Đại biểu HĐND thực hiện hiệu quả công tác tiếp dân

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với đại biểu HĐND, hoạt động tiếp công dân có ý nghĩa quan trọng, để tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND TP Hà Nội đã tiếp công dân tại nơi ứng cử theo đúng quy định. Trước mỗi kỳ tiếp công dân, các tổ đại biểu đều thông báo rõ thời gian, địa điểm, lịch tiếp của từng đại biểu, qua phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết công khai tại trụ sở tiếp công dân các quận, huyện, thị xã để cử tri, Nhân dân biết. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có 208 lượt đại biểu HĐND TP tiếp công dân theo lịch tại trụ sở tiếp công dân của 30 quận, huyện, thị xã. Các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp tốt với Thường trực HĐND, UBND các địa phương, chủ động nắm bắt tình hình thực tế cũng như các quy định của TP trong quá trình xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri. Ngoài tiếp nhận đơn, đại biểu HĐND TP còn chú trọng tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước tới công dân.

Đại biểu HĐND TP tiếp công dân tại quận Thanh Xuân.  Ảnh: Hồng Thái

Một điểm nổi bật trong công tác tiếp công dân của đại biểu HĐND TP là sau khi tiếp nhận, phân loại đơn, thư, chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, Văn phòng HĐND TP còn tham mưu cho Thường trực HĐND TP xem xét trực tiếp các vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều vụ việc Thường trực HĐND TP đã kết luận, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai thực hiện, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Trao đổi kinh nghiệm trong công tác tiếp công dân, nhiều đại biểu HĐND TP cho rằng, ngoài kỹ năng tiếp nhận, giải thích với cử tri, đại biểu cần nắm rõ tâm lý, phong tục tập quán của từng địa phương để có sự ứng xử phù hợp. Từ đó, tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho người dân khi có vấn đề cần đến nơi tiếp công dân. Cùng với đó là đôn đốc các cơ quan chậm giải quyết để có kết quả trả lời công dân theo đúng quy định của pháp luật cũng hết sức quan trọng nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tránh đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ. Và để tăng trách nhiệm của mỗi đại biểu, ngoài tiếp nhận vụ việc cần phải “đeo bám” đến cùng.
Theo lãnh đạo Văn phòng HĐND TP, thời gian tới, ngoài tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến HĐND TP theo quy định, Văn phòng HĐND TP sẽ tham mưu cho Thường trực HĐND TP lựa chọn một số vụ việc nổi cộm (nếu có) để tiếp công dân. Sau đó, Thường trực HĐND TP sẽ có kết luận, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai thực hiện, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Đồng thời, cũng liên quan đến công tác này, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về việc quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn. Với mục đích lớn nhất là nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần