Đại biểu Quốc hội bức xúc trước tội phạm: hiếp dâm, lừa đảo trên Internet, mua bán thông tin cá nhân,bảo kê máy gặt

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên thảo luận trực tuyến ngày 26/10, một số đại biểu Quốc hội tỏ ra bức xúc trước tình hình xu hướng tội phạm diễn biến phức tạp hơn, tình trạng quản lý mạng xã hội, viễn thông vẫn còn bất cập, xuất hiện một loại tội phạm bảo kê máy gặt…

Cần quyết liệt chặn đứng sự gia tăng của một số loại tội phạm

Tham gia phiên thảo luận trực tuyến, đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn tỉnh Bắc Giang) cho rằng, mặc dù thời gian qua một số loại tội phạm giảm so với năm trước, nhưng ở một số lĩnh vực cụ thể, tội phạm có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn. Trong báo cáo cũng nêu một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng như hiếp dâm tăng trên 13%, đặc biệt tội phạm hiếp dâm trẻ em tăng hơn 30%; gây rối trật tự công cộng tăng hơn 53%; chống người thi hành công vụ tăng, đặc biệt số vụ chống lực lượng công an thi hành công vụ tăng 260%; số vụ giết người thân tăng 171%... Điều này đã gióng lên hồi chuông về sự coi thường pháp luật, sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Đại biểu Hà Thị Lan cũng nêu tình trạng lợi dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để hoạt động trái pháp luật như việc đưa tin giả, tình trạng đánh bạc vẫn diễn ra hàng ngày… Công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực như quản lý xuất nhập cảnh, quản lý mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng internet vẫn còn hạn chế, bất cập. Việc đề ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, gây nhức nhối xã hội; kết quả xử lý chưa hiệu quả.
 Đại biểu Hà Thị Lan (Đoàn tỉnh Bắc Giang) 
Từ thực tế trên, đại biểu Hà Thị Lan đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần có đánh giá cụ thể về công tác phòng ngừa các loại tội phạm; đồng thời có giải pháp đấu tranh hiệu quả trong thời gian tới. Đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp, như kịp thời, quyết liệt chặn đứng sự gia tăng của một số loại tội phạm. Các ngành, các cấp ở địa phương, người đứng đầu cần quản lý chặt chẽ nhập cảnh Việt Nam của người nước ngoài. Tăng cường hơn nữa hiệu lực hiệu quả, quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định của Luật An ninh mạng, phát hiện xử lý nghiêm hành vi đưa tin giả, hành vi kích động bạo lực… Đồng thời, đại biểu Hà Thị Lan yêu cầu cần đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho Nhân dân, nhất là giới trẻ và công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...

Khoảng trống pháp lý lớn trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân

Cho ý kiến tại phiên thảo luận trực tuyến, đại biểu Hứa Thị Hà (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) nêu rõ, tại Việt Nam, với số lượng người sử dụng Internet là hơn 68 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số nhưng sự hiểu biết về bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế. Cùng với đó, chế tài xử lý hành vi đánh cắp thông tin dữ liệu cá nhân chưa đủ sức răn đe, đã xuất hiện các hành vi thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều người, dẫn tới nhiều tiềm ẩn nguy cơ.

Ví dụ, gần đây là việc vợ nạn nhân vụ Rào Trăng 3 bị lừa mất 100 triệu đồng trong, vụ 3 chi nhánh ngân hàng BIDV tại Phú Thọ đã bán thông tin của 50 công ty, doanh nghiệp cho nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; hay sự cố rò rỉ 2 triệu dữ liệu khách hàng của một ngân hàng và còn rất nhiều vụ việc khác đã xảy ra.

Đại biểu Hứa Thị Hà cho biết, cử tri đã có kiến nghị Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp bảo mật thông tin cá nhân của người dùng. Điều này đặt ra vấn đề quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế.

Đại biểu Hứa Thị Hà nhấn mạnh: “Cách quy định về thông tin cá nhân trong Luật An toàn thông tin mạng chưa đầy đủ, chưa xác định được nội hàm của khái niệm.” Đồng thời đại biểu cũng đưa ra ví dụ, thông tin về đời sống riêng tư, xu hướng cá nhân lại chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể, do đó gây khó khăn trong việc tiếp cận các nội dung này.
 Đại biểu Hứa Thị Hà (Đoàn tỉnh Tuyên Quang)
Bên cạnh đó, theo đại biểu Hứa Thị Hà, quy định về bảo mật thông tin cá nhân còn đang rải rác ở các dự án luật khác nhau. Như khoản 1 Điều 38 Bộ luật Dân sự quy định “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Khoản 1 Điều 16 của Luật An toàn thông tin mạng quy định “cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ mạng”. Khoản 1 Điều 17 của Luật An ninh mạng quy định “những hành vi xâm hại bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng”.

Ngoài ra, còn một số luật chuyên ngành quy định, như khoản 1 Điều 8 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định “được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe, về đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án”

Cũng theo đại biểu Hứa Thị Hà, các văn bản thiếu tập trung và có giá trị pháp lý khác nhau đã gây khó khăn cho việc chấp hành và thi hành pháp luật. Các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới xâm hại thông tin cá nhân có những tội danh chưa được quy định, ví dụ các nhà cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng nhưng không gắn với việc xác định danh tính cụ thể, sau đó cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin. Việc này không thuộc phạm vi cấm của luật nhưng rõ ràng nó liên quan đến thông tin của cá nhân. Đây cũng là một khoảng trống pháp lý lớn trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thông tin cá nhân cần phải được quy định cụ thể hơn, phải được coi là tài sản để được bảo vệ. Ngoài ra, cách tiếp cận, bảo vệ thông tin cá nhân trên quan điểm bảo vệ quyền riêng tư nhưng đặt trong mối quan hệ đa chiều, đa lợi ích, còn có các tiêu chí để phân loại dữ liệu cá nhân cho các cơ quan, tổ chức được khai thác và sử dụng công khai hoặc được sử dụng nhưng không công khai.

Do vậy, để làm tốt công tác bảo mật thông tin cá nhân cần hoàn thiện khung pháp lý quy định cụ thể về bảo mật thông tin cá nhân. Cần quy định thống nhất về thông tin cá nhân đã xác định các tiêu chí về thông tin cá nhân, đồng thời khắc phục tình trạng rải rác ra nhiều văn bản luật. Khi thu thập thông tin cá nhân, các đơn vị chủ thể phải công khai mục đích và các loại thông tin được thu thập, trong đó quy định rõ những thông tin chủ thể là nhà nước được quản lý, sử dụng và khai thác những thông tin mà chủ thể khác có thể sử dụng và khai thác, đại biểu Hứa Thị Hà đề nghị.

Việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về bảo mật thông tin cá nhân, đưa nội dung này vào giảng dạy trong trường trung học phổ thông, nâng cao ý thức hơn nữa đến việc bảo mật thông tin cá nhân của bản thân và của gia đình.
Xuất hiện tội phạm bảo kê máy gặt

Tham gia phiên họp trực tuyến, đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Đoàn tỉnh Điện Biên) cho biết, khi người nông dân bỏ bao công sức “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đến khi có được thành quả là bông lúa trên chính thửa ruộng của mình thì xuất hiện một loại tội phạm bảo kê máy gặt, giành giật miếng cơm của người dân.
 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Đoàn tỉnh Điện Biên)
“Chúng ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng đã nhận bảo kê với giá cao. Nếu không đồng ý sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa đã thu hoạch đối với chủ máy gặt ngoài địa bàn. Nếu muốn thuê máy gặt nơi khác về người dân phải nộp cho chúng 20.000 - 30.000 đồng/sào và phải ký vào bản hợp đồng đã soạn sẵn. Dù rất bức xúc trước hành vi ngang ngược của chúng nhưng sợ ảnh hưởng đến việc thu hoạch nên người dân nhẫn nhịn và chấp nhận làm theo” - đại biểu Trần Thị Dung trình bày.

Những “bảo kê” theo dõi từng cánh đồng lúa và thấy có máy gặt lạ đến hỏi thăm, nếu không hợp tác là đe dọa, phá máy, hành hung các chủ máy. Muốn yên ổn làm ăn các chủ máy phải nộp khoảng 2 triệu đồng/máy. Bình quân 1 sào ruộng cạn công gặt 120.000 - 140.000 đồng và khi bị bảo kê bắt đóng tiền thì giá tăng khoảng 20.000 - 30.000 đồng/sào, đại biểu Trần Thị Dung cho biết thêm.

Việc đưa cơ giới vào đồng ruộng giúp cho người dân giảm bớt nhọc nhằn, giảm bớt chi phí sản xuất và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên tình trạng bảo kê máy gặt đã dẫn đến việc chi phí thu hoạch tăng, mất an ninh trật tự ở nhiều địa bàn nông thôn.

Tại Báo cáo 482 của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn, tại mục 4 (công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở khu vực nông thôn) chưa được đề cập hành vi này. Đây là một loại tội phạm với hành vi mới nhưng thực chất là cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm hơn, trong những điều kiện mà không thực hiện được việc "bảo kê", chúng sẵn sàng hành hung gây thương tích và thậm chí giết người.

Hiện nay, Bộ Công an đã bố trí 100% công an chính quy ở các địa bàn nông thôn. Do đó, Bộ Công an cần chỉ đạo quyết liệt, tăng cường nắm địa bàn. Lực lượng cần ngăn chặn ngay từ gốc và phải xử lý nghiêm các hành vi "bảo kê" đảm bảo trật tự an ninh ở vùng nông thôn, để người nông dân không cần phải lo âu về tình trạng bảo kê máy gặt, đại biểu Trần Thị Dung đề nghị.

Cử tri phản ánh về tình trạng đòi nợ theo kiểu khủng bố tinh thần

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn tỉnh Phú Yên) cho biết, cử tri phản ánh nhiều về loại hình đòi nợ thuê, đòi nợ theo kiểu xã hội đen, khủng bố tinh thần, uy hiếp đến sức khỏe thậm chí tính mạng của người đi vay.

Các doanh nghiệp này dù hiện đang được cấp phép kinh doanh nhưng hoạt động không lành mạnh, hành vi mang tính chất côn đồ, nhân viên dùng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực đối với người đang rơi vào cảnh nợ nần. Thời gian qua đã có một số bài viết phản ánh trên báo chí lên án về hành động đòi nợ theo kiểu xã hội đen.

Cũng theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, nội dung này đã được nhấn mạnh trong Báo cáo thẩm tra số 2744 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Không có điều khoản nào lại cho phép một loại hình kinh doanh bất lương, bất nhân như thế; không có pháp luật nào lại cổ vũ cho kiểu kinh doanh làm ăn mà lãi suất như cắt cổ người vay.

"Dịch vụ cho vay thông qua các công ty tài chính trong đó có cả công ty trực thuộc ngân hàng thương mại mà lãi suất còn cao hơn cả tín dụng đen. Trường hợp công ty cho vay tiền mặt, có công ty bán hàng và liên kết với các ngân hàng cho người tiêu dùng mua hàng với các điều kiện khá đơn giản, đến khi trả tiền công ty tài chính liên kết với các dịch vụ đòi nợ bằng nhiều biện pháp khác nhau, từ nhẹ đến nặng, từ quấy rối bằng các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, cho đến lớn tiếng đe dọa, khủng bố tinh thần với các thủ đoạn. Thậm chí gán ghép những hình ảnh dung tục, gửi đến người nhà nhằm bôi nhọ hình ảnh con nợ, làm liên lụy đến gia đình..."  - đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm.

Kinh doanh đa cấp, tín dụng đen đã “gõ cửa” từng nhà, đặt dịch vụ tận tay người dân bằng hàng trăm app, số điện thoại..., với thủ tục cho vay vô cùng đơn giản, những lời mời gọi hết sức nhân ái, tốt đẹp, như một chiếc phao cứu người đuối nước. Nhưng chưa kịp bơi vào bờ thì người dân lại trở thành nạn nhân đuối nước từ chính chiếc phao cứu sinh.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh: "Để có cơ sở cho cơ quan chức năng vào cuộc, người dân phải làm đơn tố cáo, nhưng cái khó của người dân là ở chỗ ai là người cho vay đứng sau, ai là người khủng bố, người đứng sau công ty tài chính đòi nợ là ai bởi họ thường sử dụng sim rác. Dư luận xã hội, cử tri bất bình việc đòi nợ thuê hay app đa cấp vẫn ngang nhiên diễn ra vẫn tồn tại trong đời sống xã hội.”

Bên cạnh đó, một người dân bình thường, hiểu biết công nghệ yếu kém nhưng tiếp cận các app dễ dàng, trong khi đó các cơ quan chức năng lại không thể kiểm soát được, nữ đại biểu đặt câu hỏi?
 Toàn cảnh phiên họp.
Những hành vi nguy hiểm này cần có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh mẽ từ cơ quan bảo vệ pháp luật và Quốc hội phải là cơ quan giám sát. Bởi, động tới sinh mạng con người, ép họ đến bước đường cùng thì pháp luật không thể bỏ qua. Các hiện tượng có hành vi lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản đang dần bộc lộ thời gian qua, thay vì chờ người dân tố cáo, nếu cơ quan chức năng cần vào cuộc.

Cũng theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, nguyên tắc có nợ phải trả nhưng xử lý và giải quyết như thế nào phù hợp với quy định của pháp luật. Không phải ngẫu nhiên mà một người đàn ông là lao động chính của gia đình bỏ lại vợ con nếu không bị dồn vào bế tắc. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực liên quan chưa thật sự tốt.

Cho ý kiến thảo luận trực tuyến về công tác phòng, chống tham nhũng, nhiều đại biểu cho rằng mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống tham nhũng đã không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” của Đảng. Nhờ vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; qua đó đã góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.