Đại biểu Quốc hội chỉ rõ "bước lùi", sự mâu thuẫn giữa Luật Xây dựng với 17 luật khác

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Nội dung chi tiết, cụ thể đã được trình bày tại Báo cáo số 532/BC-UBTVQH14 trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này như sau:
Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến đại biểu Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự án Luật. Mặt khác, Luật Xây dựng hiện hành có hiệu lực từ 01/01/2015, một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật mới được ban hành nên việc đánh giá, tổng kết chưa thể hiện được đầy đủ, toàn diện. Hơn nữa, ngoài Luật Xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng còn được điều chỉnh bởi nhiều pháp luật khác có liên quan, đã và đang trong quá trình hoàn thiện. Vì vậy, trước mắt tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng hiện hành với những nội dung thuộc 3 nhóm chính sách lớn như Chính phủ đã trình Quốc hội trong Tờ trình số 366/TTr-CP ngày 28/8/2019. Bên cạnh đó, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nghiên cứu, áp dụng khoa học và công nghệ...
 Toàn cảnh Phiên họp
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo cùng các cơ quan liên quan đã nỗ lực rà soát các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Cụ thể, dự án Luật đã được sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở; thống nhất quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng với pháp luật về quy hoạch; việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thẩm tra phục vụ thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng thống nhất với pháp luật về đấu thầu...
Về quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai, các nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng hiện hành đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch; đã làm rõ loại quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành; đồng thời, đã quy định cụ thể về điều kiện, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc liên quan tới việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu của khu chức năng. Do đó, quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng được sửa đổi, bổ sung như trong dự Luật.
 Chủ tọa phiên họp.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, về quy hoạch chậm triển khai thực hiện, pháp luật về quy hoạch xây dựng đã có quy định về rà soát quy hoạch để kịp thời xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển (Điều 46 Luật Quy hoạch đô thị và Điều 15 Luật Xây dựng).
Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định về việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ có thời hạn trong vùng quy hoạch. Trên thực tế có nhiều quy hoạch triển khai quá chậm trễ, kéo dài so với quy định đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 49 Luật Đất đai năm 2013, dự án Luật đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu quy hoạch chậm triển khai tại Điều 94 như dự thảo Luật.
Về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, Dự án này có một số đặc thù như đa dạng về hình thức và mục tiêu, có yêu cầu cao đối với tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng nguồn lực tài nguyên lớn về đất đai, có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội, đời sống của một bộ phận lớn dân cư đô thị, thường triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian dài, vừa thi công xây dựng, vừa kinh doanh khai thác...
Do vậy, để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn các vấn đề nêu trên, dự án Luật chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định nội dung, công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và bàn giao công trình. Các quy định này không làm phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật đã bổ sung khái niệm về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại khoản 15a Điều 3 Luật Xây dựng. Để thống nhất với Luật Nhà ở, dự thảo Luật đã sửa đổi Điều 17 Luật Nhà ở để phân định dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Các tiêu chí cụ thể của dự án đầu tư xây dựng khu đô thị như quy mô, tính đồng bộ… sẽ được quy định chi tiết trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
 Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng báo cáo một số nội dung
Về xây dựng công trình khẩn cấp, cấp bách, hiện nay theo quy định tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Luật Đầu tư công năm 2019 đều có các quy định liên quan đến xây dựng công trình khẩn cấp. Do đó, dự Luật vẫn giữ quy định về xây dựng công trình khẩn cấp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng được bao quát hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định như vậy cũng là thống nhất với pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh các công trình khẩn cấp phải thực hiện ngay theo quy định hiện hành, trong thực tế còn có những công trình có yêu cầu đầu tư và xây dựng nhanh trong một thời gian ngắn, cần được thực hiện theo thủ tục rút gọn hoặc có cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn thời gian nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các thủ tục như khảo sát, thiết kế, lựa chọn nhà thầu, giấy phép xây dựng…Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự Luật bỏ điều quy định về công trình cấp bách, sửa đổi quy định về các đối tượng công trình khẩn cấp như trong dự Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, ngoài các vấn đề lớn nêu trên, các điều, khoản của dự án Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo các ý kiến góp ý cụ thể của các đại biểu Quốc hội về giải thích từ ngữ; về nguyên tắc cơ bản và chính sách khuyến khích của Nhà nước; về phân loại, cấp công trình dự án đầu tư xây dựng; về xây dựng công trình tạm; về vật liệu xây dựng; về ban hành định mức và công bố chỉ số giá xây dựng; về quản lý năng lực hoạt động xây dựng; về trách nhiệm quản lý nhà nước… cũng như chỉnh sửa về văn phong, kỹ thuật văn bản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo thống nhất rà soát, chỉnh lý nội dung của dự án Luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự án Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 59 Điều tăng 7 Điều so với so với dự án Luật Chính phủ trình Quốc hội. Sửa đổi Điều 17 của Luật Nhà ở và Điều 28 của Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình các vị đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định.
Cân nhắc kỹ quy hoạch xây dựng nông thôn, xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực nông thôn
Sau khi nghe giải trình, đại biểu Dương Minh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã cho ý kiến về quy mô, giới hạn xây dựng đối với công trình, nhà ở nông thôn không cần phải có giấy phép xây dựng. Theo đó, tại khoản 2, điều 89 của dự án Luật Xây dựng quy định: Ngoại trừ các công trình xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử, văn hóa thì các công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc khu vực xây dựng khu dân cư nông thôn thì không phải xin giấy phép xây dựng.
Theo đại biểu Dương Minh Tuấn, quy định trên rất thông thoáng, thuận lợi cho người dân khi xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế quản lý, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng việc miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn để tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô, diện tích lớn nhằm sử dụng với nhiều mục đích khác. Điều này có thể gây mất trật tự, khó khăn trong công tác quản lý. Với những bất cập này, đại biểu Dương Minh Tuấn đề nghị ban soạn thảo dự án Luật cần có quy định về giới hạn, quy mô xây dựng công trình đối với trường hợp trên.
Ngoài ra, nhiều nơi đã lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng nông thôn nhưng khu vực có quy hoạch điểm dân cư nông thôn thì rất ít. Do đó, nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng là khá nhiều.
Việc không quy định trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng với nhà ở riêng lẻ có thể làm mất kiểm soát trong xây dựng ở nông thôn như có trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, an toàn lưới điện, bảo vệ nguồn nước. Với những bất cập trên, đại biểu Dương Minh Tuấn đề xuất Ban soạn thảo dự án cần xem xét, cân nhắc kỹ đối với quy hoạch xây dựng nông thôn, xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực nông thôn.
Đóng góp ý kiến khác để quản lý các công trình xây dựng ở nông thôn được hiệu quả, hạn chế tình trạng xây dựng trái phép, đại biểu Nguyễn Chí Tài – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế, nêu quan điểm: Đối với các công trình xây dựng ở nông thôn chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt phát triển nông thôn mới phải được cấp giấy phép xây dựng mới được triển khai thực hiện dự án. Đối với công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa từ khi khởi công xây dựng công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương biết để quản lý.
Nhiều công trình bị phát hiện sai phạm về quy hoạch vị trí, xây dựng không đúng theo quy hoạch
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho ý kiến về thực hiện quy hoạch xây dựng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến, hiện vẫn còn có sự chồng chéo giữa Luật Xây dựng với Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị nên cần có sự xem xét, rà soát kỹ xem những điều nào bất cập để chỉnh sửa.
Đề cập về xây dựng công trình xây dựng với việc quy hoạch, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Ban soạn thảo Dự án Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp đô thị đối với quy hoạch thành phố và các khu dân cư. Cần phải quy định thống nhất và hạn chế các thủ tục không cần thiết đối với việc thẩm định các dự án để hạn chế nhiều dự án chậm tiến độ xây dựng.
Bởi thực tế, có nơi xây dựng xong mới hoàn thiện quy hoạch nên có nhiều công trình bị phát hiện sai phạm về quy hoạch vị trí, xây dựng không đúng theo quy hoạch. Nhằm kịp thời ngăn chặn những bất cập trên, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cần ban hành quy chế xử phạt nghiêm khắc khi địa phương để xảy ra những sai phạm trong quy hoạch xây dựng.
Còn đại biểu Trần Tất Thế- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, đề cập tới việc đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân trong vùng quy hoạch đã được công bố mà chưa thực hiện công trình xây dựng thì Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho người dân khi thu hồi đất của họ khi quá thời hạn quy hoạch.
Ngoài ra, để cho phép xây dựng công trình, ở Điều 87 của dự thảo Luật quy định: Công trình hoàn thành phải được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng. 
Tuy nhiên, đại biểu Trần Tất Thế cho rằng, quy định này là một bước lùi trong công tác quản lý Nhà nước hoạt động xây dựng. Vì trước đây, đã có quy định của các cơ quan cấp phép của Nhà nước hoàn công các công trình xây dựng chưa đưa vào sử dụng không đem lại hiệu quả trong việc quản lý xây dựng.
Thủ tục trên đã được thay bằng biên bản hoàn công do chủ đầu tư chịu trách nhiệm (nay là Nhà nước cấp phép sử dụng công trình xây dựng) gần như khôi phục hoàn công sẽ tạo tâm lý ỷ lại cho người dân và dễ phát sinh tiêu cực, dễ làm gia tăng tình trạng xây dựng trái phép. Với bấp cập này, đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật cần có thêm quy định chặt chẽ, trách nhiệm của địa phương, xử lý nghiêm các hành vi khi để diễn ra xây dựng các công trình trái phép.
Luật Xây dựng mâu thuẫn, chưa đồng bộ với 17 luật khác

Báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết cơ quan soạn thảo đã phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội từ kỳ họp thứ 8 để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên thảo luận này, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào các nội dung có tính chất kỹ thuật, có tính chất giai đoạn như phân định tiêu chí quy mô dự án, quản lý chất lượng, mẫu hợp đồng, một số chi tiết về phân cấp dự án, về quản lý dự án, về công trình quy mô lớn ảnh hưởng đến cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội để quy định trong các nghị định, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật liên quan để bảo đảm tính ổn định cao cảu Luật Xây dựng.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về các ý kiến về bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết ngoài các ý kiến liên quan đến sự đồng bộ của Luật Xây dựng và một số luật khác đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình như bảo đảm sự đồng bộ giữa Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đã được sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng cho biết sẽ tổng hợp tiếp thu các ý kiến khác để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đặc biệt chú ý đến đề xuất bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành vào Luật Xây dựng theo đó ưu tiên áp dụng quy định của Luật Xây dựng để điều chỉnh các vấn đề về xây dựng, hoạt động xây dựng. Khi đó sẽ coi Luật Xây dựng là gốc, tuân thủ Luật Xây dựng và dẫn chiếu theo Luật Xây dựng để tránh trường hợp cùng một vấn đề nhưng lại được quy định ở nhiều luật khác nhau nguy cơ mâu thuẫn sẽ rất cao.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ cũng đã có rà soát, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung mâu thuẫn, chưa đồng bộ giữa Luật Xây dựng với 17 luật khác, để từ đó biết được khi sửa đổi Luật Xây dựng thì các luật khác phải sửa đổi những nội dung nào.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, để giải quyết vấn đề đồng bộ trong hệ thống pháp luật thì một số vấn đề có thể quy định trong Nghị định quy định chi tiết thi hành luật này và một số luật khác để báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung.

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt, lập tổ công tác để giải quyết những chồng chéo, mâu thuẫn giữa các nghị định trong từng lĩnh vực trong đó có lĩnh vực xây dựng. Sau khi Luật này có hiệu lực cơ bản giải quyết được những vấn đề mâu thuẫn.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, có 19 đại biểu tham gia góp ý kiến vào phiên thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Qua thảo luận cho thấy, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội yêu cầu cần rà soát về việc cần có sự thống nhất giữa Luật Xây dựng với các luật khác. Ngoài ra, cần làm rõ về thủ tục cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng ở đô thị, nông thôn; trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng, chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội đã được ghi âm; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu những ý kiến đóng góp, đề xuất để hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần