Đại biểu Quốc hội chuyên trách: Yêu cầu cao về tiêu chuẩn, chất lượng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định tối thiểu 35% tổng số đại biểu (ĐB) Quốc hội hoạt động chuyên trách, đến năm 2020, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định nâng số lượng ĐB Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số ĐB Quốc hội.

Quang cảnh Kỳ họp thứ mười một - Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Dương Giang
Việc cần thiết
Theo ý kiến của nhiều ĐB, sự điều chỉnh rất mới của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV lần này là tăng số lượng ĐB chuyên trách và giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm của các cơ quan hành pháp là phù hợp để tham gia nghiên cứu sâu hơn trong quá trình xây dựng pháp luật và thực hiện chức năng của Quốc hội là cần thiết.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) Nguyễn Viết Chức cho biết, khối hành pháp và lập pháp đều là cơ quan Nhà nước, có tính chất, chức năng nhiệm vụ khác nhau. Nếu một người làm cả hai vai tự dưng “quá sức”. Cho nên nếu làm một vai nhưng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn hiệu quả hơn. “Một người nếu dành toàn tâm vào một nhiệm vụ sẽ tốt hơn. Vì giỏi đến mấy nhưng cũng phải chuyên sâu, dành tất cả thời gian cho nó. Nếu ĐB Quốc hội là người thuộc bên hành pháp, cả tháng đi họp Quốc hội thì trong điều hành công việc cũng sẽ khó khăn. Bởi hành pháp yêu cầu xử lý công việc thường xuyên hàng ngày. Nhất là những “tư lệnh ngành” mà ngồi họp cả tháng cũng sẽ khó”- ông Nguyễn Viết Chức phân tích. Đồng thời cho rằng, việc tăng ĐB Quốc hội chuyên trách là việc cần thiết, để ĐB dành toàn thời gian và vật chất lo cho lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của Nhà nước.

Quy hoạch theo hướng “động” và “mở”

Cùng với tăng số lượng, yêu cầu về chất lượng với ĐB Quốc hội chuyên trách cũng là vấn đề được quan tâm. Theo tiêu chuẩn của ĐB Quốc hội, trong đó, ngoài 5 tiêu chuẩn theo quy định của Luật như: Trung thành với Tổ quốc, đất nước, Hiến pháp; các điều kiện về năng lực, phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, khả năng, giữ mối liên hệ với cử tri... yêu cầu ĐB phải có bản lĩnh, dám nói cũng được đặt ra. Với ĐB Quốc hội chuyên trách, trong Hướng dẫn 36/HD/BTCTW cũng quy định rõ, ngoài các tiêu chuẩn chung theo quy định, người ứng cử ĐB Quốc hội chuyên trách còn phải đáp ứng yêu cầu như phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên. Có quy hoạch làm ĐB Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Thứ trưởng và tương đương trở lên. Theo Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, trên cơ sở các tiêu chí, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội chuyên trách, quy hoạch ĐB Quốc hội chuyên trách cũng theo hướng “động” và “mở” với mục tiêu đảm bảo chất lượng. Bởi có những ủy ban phụ trách 4 – 5 lĩnh vực khác nhau, chính vì thế trong danh sách giới thiệu người ứng cử ĐB Quốc hội có cả những người không phải ở cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm yêu cầu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tăng số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách đồng thời phải đi đôi với nâng cao chất lượng, bởi từ công tác giám sát ở Quốc hội, hay khi đại biểu thực hiện quyền giám sát ở cơ sở, địa phương đều đòi hỏi phải đủ năng lực mới có thể phát hiện và nêu ra những vấn đề, kiến nghị mới... Bên cạnh đó, ĐB Quốc hội chuyên trách phải là người có bề dày hoạt động thực tiễn, vì chính quá trình này cho người ĐB có những kinh nghiệm để thấy được những vấn đề nào cần được phản ánh trong quá trình xây dựng Luật, quyết định các vấn đề tại nghị trường; có năng lực, khả năng dự báo thì mới ra được những quyết sách đúng để áp dụng vào trong thực tiễn cuộc sống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần