Đại biểu Quốc hội: Cơ cấu lại nợ về thời hạn, lãi suất cho doanh nghiệp mới chỉ giúp “cầm máu”

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận chiều 15/6 tại Hội trường Diên Hồng, đề cập đến kết quả phòng, chống dịch Covid – 19, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) chỉ rõ, dịch bệnh là khách quan nhưng tâm thế và cách thức của quốc gia ứng phó với dịch bệnh tạo nên sự khác biệt.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trải qua hơn 170 ngày đêm “đánh giặc”, cho đến nay, có thể khẳng định rằng, chúng ta đã có thể kiểm soát tốt, thậm chí rất tốt đối với dịch bệnh Covid – 19. Mặc dù ở một vài thời điểm, ở một số địa phương có những biện pháp áp dụng có thể hơi quá mức cần thiết nhưng, về tổng thể, ứng xử của chúng ta để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép: phòng - chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội là hợp lý, hài hoà.
"Lại một lần nữa trong hoàn cảnh khó khăn, vũ khí “bách chiến bách thắng” của cách mạng nước ta là: “cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân ra trận, Đảng lãnh đạo, Quốc hội đồng lòng, Chính phủ điều hành và Mặt trận chung tay” đã giúp chúng ta làm nên chiến thắng được cả thế giới ghi nhận. Việt Nam xứng đáng có được tấm huy chương vàng đầu tiên ở cấp độ toàn cầu trong lĩnh vực phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh. Dù vậy, tấm huy chương vàng quý giá nhất vẫn là niềm tin của Nhân dân vào Đảng vào Nhà nước và chế độ của chúng ta." - Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng lưu ý, không giống như cuộc chiến chống “giặc Covid -19”, cuộc chiến chống “giặc tụt hậu” trong hành trình tái khởi động, phục hồi và phát triển nền kinh tế đang đòi hỏi những kỹ năng và nỗ lực gấp bội lần.
Mặc dù, đồng tình với phương án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng về khoảng 4,5%, nhưng ĐB Vũ Tiến Lộc cho biết, chưa thật yên tâm vì các giải pháp của Chính phủ đưa ra dường như vẫn chưa đủ mạnh để có thể đạt được mục tiêu này. Ngoài chủ trương thúc đẩy đầu tư công ,các chính sách tài khóa khác có vẻ vẫn còn dè dặt khi chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc giãn, hoãn thời hạn nộp thuế, phí cho doanh nghiệp.
Trong điều kiện tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì việc tại Kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội cắt giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì theo ông, cũng chẳng có thêm ý nghĩa gì nhiều.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng: "Với mức nợ công hiện tại là 56% GDP, chúng ta vẫn còn dư địa để thực hiện các biện pháp giãn, hoãn cắt, giảm thuế với liều lượng mạnh hơn trong thời gian tới. Ví dụ, có thể kéo dài hơn thời hạn giãn, hoãn các khoản thuế, phí phải nộp tới 12 tháng, thay vì chỉ 3 hay 6 tháng."
Thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã rất thành công trong việc giảm mức nợ công. Và bây giờ là thời điểm chúng ta có thể sử dụng chính sách tài khóa ngược chu kỳ để đối phó với dịch bệnh, tức là giảm nợ công trong giai đoạn kinh tế phát triển thuận lợi để tăng nợ công trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn. Nghệ thuật của việc điều hành chính sách tài khoá luôn là như vậy.
"Chính sách tiền tệ thì có vẻ mạnh mẽ hơn" - đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định và đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước đã tiên phong trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp, đã kịp thời hai lần liên tiếp hạ lãi suất điều hành trong những tháng đầu năm. Nhưng tác động của chính sách này đến lãi suất thị trường, đặc biệt là lãi suất trung và dài hạn vẫn chưa thực sự rõ nét.
Việc cơ cấu lại nợ về thời hạn và lãi suất cho các doanh nghiệp, mới chỉ giúp “cầm máu”, mà chưa giúp “chữa lành được vết thương “và tạo ra được động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính sớm nghiên cứu ban hành một gói hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong các ngành như du lịch, hàng không...
“Tất nhiên, gói này cần có giới hạn phù hợp để ngăn ngừa lạm phát có nguy cơ quay trở lại”, đại biểu Vũ Tiến Lộc lưu ý và  cho rằng, trong khi dự kiến mục tiêu tăng trưởng khoảng 4,5 % là khá cao so với dự báo của các tổ chức quốc tế, nhưng Chính phủ dường như lại có phần lơi lỏng mục tiêu kiềm chế lạm phát khi điều chỉnh mục tiêu lạm phát “dưới 4%” thành “khoảng 4%”.
Mặc dù rất chia sẻ với quan điểm thận trọng của Chính phủ, nhưng đại biểu vẫn tha thiết đề nghị trong điều hành, Chính phủ sẽ phấn đấu để đạt được mức lạm phát dưới 4%. Điều này rất quan trọng vì đó là cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện uy tín và tầm nhìn của Chính phủ trong dài hạn là điểm neo giữ của niềm tin để người dân và các nhà đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh. Chúng ta không nên để suy giảm niềm tin đó.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, dù còn rất nhiều thách thức nhưng chúng ta có nhiều cơ hội và công cụ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Giá thịt heo dù vẫn còn neo ở mức cao nhưng như Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo với Quốc hội, nếu không có những diễn biến bất thường thì đến quý IV này ,với nỗ lực tái đàn của bà con nông dân, đàn lợn sẽ khôi phục mức sản lượng tiềm năng trước mùa đại dịch.
Còn giá xăng dầu trong những tháng đầu năm, đã giảm mạnh hơn nhiều so với dự báo và trong thời gian tới và nếu liên Bộ Tài chính - Công thương xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì tác động cộng hưởng những yếu tố này giúp mục tiêu lạm phát “dưới 4%” vẫn có thể trở thành hiện thực.
“Bên cạnh những thách thức, thời hậu Covid-19 cũng đang mở ra một số cơ hội mà chúng ta cần nắm bắt, nhất là cơ hội từ việc dịch chuyển các làn sóng đầu tư. Chính phủ dự định lập tổ công tác đặc biệt để thúc đẩy công tác này, tôi thấy là cần thiết. Tuy nhiên, điểm then chốt là vẫn phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước”. - Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và đánh giá, trong khoảng 2 năm rưỡi kể từ đầu nhiệm kỳ này, cải cách thể chế đã được triển khai khá mạnh mẽ với nhiều khí thế nhưng từ hơn một năm nay, đà cải cách đang có phần chững lại, nhiều mục tiêu cải cách hướng tới mục tiêu nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN đang trở thành lỡ hẹn. Vì vậy, tái khởi động đà cải cách để tái khởi động nền kinh tế đang là yêu cầu bức thiết đặt ra.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ hệ trọng này.
Hai đôi cánh của cánh của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và nêu hai vấn đề.
Đại biểu Quốc hội: Cơ cấu lại nợ về thời hạn, lãi suất cho doanh nghiệp mới chỉ giúp “cầm máu” - Ảnh 2
Thứ nhất là những thay đổi của thế giới do đại dịch Covid-19. Đại dịch đang làm thay đổi quan hệ kinh tế quốc tế một cách chưa từng thấy trên nhiều phương diện. Theo đại biểu Quốc Bình, tác động của đại dịch đối với trật tự kinh tế và hoạt động kinh tế của con người là chưa từng có. Trong đại dịch, hầu như tất cả các yếu tố hoạt động kinh tế đều bị ngưng trệ. Nhiều người cho rằng đại dịch sẽ là dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nặng nề ngang hoặc hơn cả Đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra trong những năm 1929 – 1933. Mặt khác, đại dịch đã đưa cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn vào kỷ nguyên đối kháng toàn diện. Quan hệ kinh tế Mỹ - Trung là ví dụ điển hình.
Ngoài ra, đại dịch đã làm cho thế giới nhận diện rõ hơn và cụ thể hơn về vai trò của công nghệ số. Vì thế nhiều quốc gia đang hướng đến một kỷ nguyên phát triển mới với 3 nền tảng chính là: chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. Mặt khác, đại dịch đang định hình lại hướng đi của toàn cầu hóa, của trào lưu hội nhập xuyên quốc gia và tương tác xã hội xuyên khu vực bởi những hạn chế và thách thức nghiêm trọng bị phơi bày trong đại dịch. Trật tự kinh tế thế giới có thể được cải tổ lại trên quy mô lớn và việc điều chỉnh quá trình toàn cầu hóa sẽ là tất yếu. Thứ hai, theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, sự thay đổi trong lối sống và công việc kinh doanh.

Đại biểu nhấn mạnh: “Kinh doanh là một lĩnh vực mà thế giới sẽ không bao giờ quay trở lại như cũ. Trong đại dịch, các ngành có thể khai thác lợi thế của công nghệ số như truyền thông, giáo dục, y tế, bảo hiểm, tài chính, thương mại điện tử,… vẫn duy trì được hoạt động và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong thời gian tới.

Ngược lại, các ngành truyền thống: sản xuất xuất khẩu theo cách truyền thống, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo truyền thống và các nhà cung cấp dịch vụ logistics truyền thống là những bên thua thiệt từ nay về sau bởi sự thay thế lợi thế của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, robot và cơ chế tự động.”

Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, cần có sự thay đổi căn bản trong các ngành này để phù hợp với kỷ nguyên số hay để bắt kịp cuộc CMCN lần thứ 4. Người dân dần dần thích nghi với mua sắm trực tuyến, học tập qua mạng, chữa bệnh từ xa, hội họp từ xa, làm việc từ xa, sử dụng dịch vụ từ xa,… Đây là sự thay đổi quan trọng trong lối sống và công việc.

Tại buổi thảo luận, đại biểu cũng đưa ra một số đề xuất định hướng chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế sau đại dịch.

Theo đại biểu, trước tiên, cần có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ phát triển các vùng nguyên liệu trong nước. Đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nước ngoài sẽ phải trả giá như thế nào trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tự xây dựng các vùng nguyên liệu trong nước.

Hơn nữa, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định FTA với quốc tế, trong đó, phát triển vùng nguyên liệu trong nước để đảm bảo hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam cần được xem vừa là một yêu cầu vùa là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển hài hòa, ổn định, tự cường.

Thứ hai, cần có chính sách mạnh hơn nữa thúc đẩy công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến tinh dựa trên ứng dụng các công nghệ cao những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, hải sản, hương liệu, tinh dầu,… vì nó không chỉ mang lại giá trị gia tăng cao mà còn là yếu tố rất quan trọng thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Thứ ba là cần có chính sách thúc đẩy sự hình thành và phát triển cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ. Đó là những doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và cung cấp dịch vụ có tính linh hoạt, cơ động, mềm dẻo và có thể tồn tại khi gặp những biến động lớn như đại dịch Covid-19.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, có 2 hướng thay đổi cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai một cách rộng khắp, xuyên suốt trong những năm tới.

Đó là, ccần thúc đẩy chuyển nhanh từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn bởi lẽ tất cả các hoạt động kinh tế trên đất nước ta hiện nay là kinh tế truyền thống hay còn gọi là kinh tế tuyến tính. Đó là nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô để tạo ra sản phẩm tiêu dùng, chất thải được thải thẳng ra môi trường. Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế khai thác triệt để mọi nguồn tài nguyên tham gia quá trình sản xuất bằng cách tái chế, tái sử dụng phế thải, giảm thiểu chất thải ra môi trường hay nói nôm na là “nền kinh tế không rác thải”. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã chuyển sang kinh tế tuần hoàn từ 20 năm trước như Mỹ, Nhật và nhiều nước thuộc EU.

Ngày nay, Thụy Điển là nước tái chế 99% chất thải, nhiều nước đạt mức 70 – 75% còn ở nước ta, theo WB, tỷ lệ chất thải được xử lý mới là 10%. Việc chuyển từ kinh tế truyền thống hiện nay sang kinh tế tuần hoàn có thể triển khai từ mức độ thấp lên mức cao, vì thế doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được.

Thứ hai, cần có chính sách thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (nhất trí như trong Báo cáo của Chính phủ) bởi vì bản chất của quá trình chuyển đổi số là quá trình dựa trên công nghệ số sáng tạo ra những mô hình hoạt động mới hiệu quả hơn trước hoặc hoàn toàn mới của các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức, thậm chí đến từng cá nhân và từng bước chuyển từ cách sống, làm việc, sản xuất hiện nay sang phương thức hoạt động mới.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số vừa là chẩn mực vừa là phương tiện triển khai phát triển kinh tế một cách nhanh nhất, toàn diện nhất. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình ví kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số là hai đôi cánh của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới.