Đại biểu Quốc hội: Cốt lõi của trạng thái bình thường mới là cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 15/6 tại Hội trường Diên Hồng, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhấn mạnh, vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải đánh giá sâu hơn về chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của tăng trưởng, trong đó có những vấn đề như giải quyết việc làm, môi trường, năng suất lao động, sử dụng hiệu quả đầu tư công…

Theo đại biểu Tô Văn Tám, dịch Covid-19 làm cho người lao động gặp vô cùng nhiều khó khăn trong cuộc sống. Điều này đã cho thấy, người lao động chưa có gì tích lũy đáng kể. Bởi vậy, Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư mới nhắn nhủ rằng, không nên quá say sưa với thành tích. Và trên tinh thần này, mặc dù thu nhập bình quân trên đầu người của nước ta tăng lên nhiều năm qua (năm 2010 là 2.300 USD, năm 2018 là trên 2.500 USD và năm 2019 đạt mức 2.800 USD) nhưng Thủ tướng vẫn nói rằng: “đừng chỉ nhìn các con số mà vội thấy vui, hãy nhìn, hãy nghe về những cảnh đời. Thực tế đó luôn làm cho chúng ta day dứt, trăn trở”. Cử tri đánh giá cao những nhìn nhận và trăn trở như vậy.
Về kết quả phòng, chống dịch, đại biểu Tô Văn Tám nhận thấy, các biện pháp phòng chống dịch vừa có tầm vĩ mô, vừa sát thực tiễn. Điểm nhấn của công tác phòng, chống dịch Covid -19 đã cho ta thấy đúng bản chất và tầm nguy hiểm của nó để làm cơ sở đề ra các biện pháp, giải pháp, thể hiện sự nhạy bén của Chính phủ. Cùng với đó là đưa ra các biện pháp hỗ trợ rất kịp thời, gói an sinh xã hội, giá điện…
Tuy nhiên, theo đại biểu Tô Văn Tám, đã có sự trục lợi ở các chính sách của Chính phủ. Sự trục lợi này thể hiện rất đa dạng từ nâng giá thiết bị y tế, hỗ trợ không đúng đối tượng, đặc biệt đã có cán bộ dính vào những vụ việc này. Cử tri kiến nghị Chính phủ xử lý nghiêm minh các trường hợp này.
Hiện nay, dịch vẫn diễn biến phức tạp, chúng ta trở lại trạng thái bình thường mới, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Điểm cốt lõi của trạng thái này, theo đại biểu Tô Văn Tám, vẫn là cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế.
"Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, quản trị Nhà nước tốt, đang hội nhập kinh tế thế giới rộng. Do vậy, đòi hỏi cải cách thủ tục hành chính cần mạnh mẽ hơn nữa theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và hành động. Các gói hỗ trợ trong quá trình triển khai còn vướng mắc về thủ tục cần tháo gỡ, giải ngân vốn đầu tư công chậm… Nhưng để giải quyết tận gốc những vướng mắc này, cần kiến tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý thu gọn chứ không chỉ là tháo gỡ vướng mắc." - Đại biểu Tô Văn Tám nêu.
Đại biểu Tô Văn Tám đề cập đến chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đã có những kết quả tốt nhưng địa bàn Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương có tỷ lệ xã nghèo, khó khăn còn nhiều. Do vậy, nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới là rất lớn.
Đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị Chính phủ ưu tiên nguồn lực cho các địa phương này, với những địa phương chưa có quỹ đất sản xuất cần nâng mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp để đủ kinh phí mua dụng cụ sản xuất…