Đại biểu Quốc hội: Đầu tư xây dựng dùng vốn nhà nước là anh em "song sinh" với tham nhũng, là lĩnh vực người dân bị “hành” nhất

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 27/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cần làm rõ trách nhiệm trong quy hoạch xây dựng.

Cần “đoạn tuyệt” với việc phạt cho tồn tại
Nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, nhiều ĐBQH đặt kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động xây dựng. Tuy nhiên cũng có ý kiến ĐBQH đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng và trình Quốc hội thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp.
 
Theo phân tích của ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai), Luật Xây dựng mang sứ mệnh cốt lõi, tác động đến nhiều luật khác, nếu sửa đổi không tốt sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân phá vỡ thành quả của các luật liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Kiến trúc, Luật Đầu tư, gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển KT – XH, cho đời sống và môi trường. Thực tiễn thời gian qua cho thấy nhiều câu chuyện về vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đã và đang tồn tại và được xem như là “căn bệnh” kinh niên mà các cấp, các ngành chỉ đạo nhiều, họp hành nhiều, nói nhiều nhiệm kỳ nhưng chuyển biến vẫn còn chậm. Vì vậy, cần sửa đổi toàn diện, chặt chẽ và đồng bộ với các luật liên quan, đây cũng là bước chuẩn bị tốt cho đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 – 2025.
Đại biểu Đinh Duy Vượt cũng mong muốn, dự thảo Luật phải khắc phục được việc buông lỏng kỷ cương, trật tự xây dựng. Cụ thể là phải “đoạn tuyệt” với việc phạt cho tồn tại như: xây dựng sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng đất, sai phép, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch mà chỉ Nhà nước là thua thiệt; tình trạng các dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân đội vốn, chất lượng công trình hạn chế hoặc khi xây dựng xong không sử dụng được; một số công trình siêu mỏng, siêu méo, hoặc các chung cư cao tầng xây lên tại các trung tâm thành phố ngày càng quá tải gây ra nhiều hệ lụy như mất an toàn cháy nổ, kể cả động đất nếu xảy ra; hay những công trình thất thoát lãng phí kép được đầu tư đấu thầu hình thức, nhiều dấu hiệu sân sau bảo kê trúng thầu… Hệ lụy là nhiều cử tri cho rằng, lĩnh vực đầu tư xây dựng, sử dụng vốn nhà nước là “anh em” song sinh với tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, là lĩnh vực người dân bị “hành” nhất. Chúng ta không có ai chịu trách nhiệm hoặc chịu trách nhiệm chung chung, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin người dân và doanh nghiệp, đại biểu Đinh Duy Vượt nhấn mạnh.
 Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) phát biểu tại Hội trường
Dành sự quan tâm đến các dự án “treo”, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh), ĐBQH Đinh Duy Vượt chia sẻ, các dự án này cũng trong tình trạng không ai chịu trách nhiệm, do vậy dự thảo Luật cần công khai, minh bạch trách nhiệm quy hoạch. Đồng thời, sớm phát hiện và ngăn chặn, xử lý dự án “ma” đang nở rộ mà đằng sau đó là những băng nhóm tội phạm có tổ chức đang lộng hành, lừa đảo hàng nghìn người, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, gây mất trật tự xã hội, tiềm ẩn nợ xấu cho ngân hàng hoặc là nơi rửa tiền, kể cả dấu hiệu người nước ngoài mua nhà đất mà người Việt Nam đứng tên.
Xử lý câu chuyện quyền anh, quyền tôi
Một số ĐBQH cũng lưu ý, Luật Xây dựng liên quan đến nhiều luật, do đó, cần rà soát, tránh xung đột chồng chéo, bởi lẽ các luật như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc, Luật Đất đai, Luật Đầu tư đều có chương, điều khoản quy định về quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, điều chỉnh xây dựng quy hoạch. Trong khi quy hoạch đô thị chi tiết hiện nay chỉ đạt 37%, nếu không rà soát kỹ sẽ nảy sinh bất cập quyền anh, quyền tôi của các cơ quan liên quan, hoặc lợi dụng, lạm dụng, tùy tiện nhũng nhiễu vì mục đích tư lợi trong công tác cấp phép xây dựng, thanh, kiểm tra xây dựng. Hiện nay, chúng ta vẫn đang tái diễn tình trạng nhiều dự án từ khi bắt đầu triển khai đến khi hoàn thành thủ tục có thể hàng năm trời khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí có nguy cơ phá sản, hoặc mùa khô lo làm thủ tục, mùa mưa mới thi công, sẽ rất khó khăn.
Về ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trong quản lý xây dựng, các ĐBQH đề nghị, dự thảo Luật cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, thân thiện bảo vệ môi trường, ngăn chặn khai thác cát quá mức gây sạt lở. Nghiên cứu các công trình xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu đang xảy ra hiện nay. Bên cạnh đó khắc phục tình trạng không đồng nhất về cốt nền đã gây nhiều khó khăn bất cập, nhất là mùa mưa.
Từ 01/01/2018 không còn việc phạt cho tồn tại trong xử lý sai phạm trật tự xây dựng

Giải trình tại hội trường hôm nay (27/11) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, từ 01/01/2018 không còn có việc phạt cho tồn tại nữa. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, để thực hiện được, chúng ta phải làm tất cả các khâu thật sự chặt chẽ.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình tại hội trường ngày 27/11

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận, các vấn đề bức xúc tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xây dựng thực tế hiện nay được các đại biểu nêu ra hết sức xác đáng, song cần được giải quyết cả bằng việc hoàn thiện thể chế, cùng với việc tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm túc, kịp thời ở các cấp.

Về việc quản lý trật tự xây dựng, thanh tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, pháp luật về xây dựng còn chịu sự điều chỉnh của một số luật khác như Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh xây dựng đất đai... Chính phủ cũng đã có kế hoạch để thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đối với lĩnh vực xây dựng để tập trung khắc phục những hạn chế, tồn tại trong hoạt động xây dựng hiện nay, trong đó có việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện pháp luật về xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện ở một số địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, sau khi có tổng kết, đánh giá về việc này thì sẽ có kiến nghị với Quốc hội về điều chỉnh pháp luật có liên quan để mở rộng trong toàn quốc.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 139 năm 2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng. Theo đó, từ ngày 01/01/2018 không còn việc phạt cho tồn tại tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm.

Trước một số ý kiến còn băn khoăn về việc hiện đang thực hiện đồng thời hai thủ tục là thẩm định thiết kế và cấp phép, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, theo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, có nước chỉ sử dụng một công cụ cấp phép, có nước chỉ sử dụng một công cụ thẩm định, nhưng cũng có nước sử dụng đồng thời cả hai thủ tục này.

Quan điểm của Bộ Xây dựng là sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm sao để đơn giản nhất, thuận tiện nhất cho các tổ chức, người dân, doanh nghiệp, nhưng đồng thời phải bảo đảm yêu cầu chặt chẽ về quản lý chất lượng xây dựng công trình.

Theo hướng này và ở mức độ nghiên cứu bây giờ, trong dự thảo luật đã có đề xuất về việc tích hợp một số nội dung ở trong công tác cấp phép thẩm định để giảm thời gian và thủ tục.

Cũng có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn về dự án quy mô lớn, có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, các chỉ tiêu này có thể thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của đất nước. Vì vậy, để đảm bảo tính ổn định của luật, đề nghị được quy định tại nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Về trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Luật Xây dựng năm 2014 và các nghị định hướng hướng dẫn thi hành luật đã quy định trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của các cơ quan nhà nước. Đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, pháp luật về xây dựng cũng đã quy định quyền và nghĩa vụ của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, và nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát thi công xây dựng.

Qua tổng kết đánh giá việc thi hành Luật Xây dựng năm 2014, dự thảo luật đã phân tách rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan tư vấn thiết kế, thẩm tra trong thẩm định dự án và thẩm định thiết kế. Đồng thời, tăng cường phân cấp cho địa phương qua việc tích hợp, thẩm định, thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng; phân cấp cho địa phương trong việc cấp phép công trình cấp đặc biệt để gắn việc cấp phép xây dựng với quản lý trật tự xây dựng tại địa phương; phân cấp thẩm định thiết kế xây dựng công trình sử dụng vốn khác cho chủ đầu tư; phân cấp việc đánh giá an toàn, chịu lực công trình cho tổ chức tư vấn thẩm tra.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, các nội dung sửa đổi này đã cơ bản đảm bảo nguyên tắc về quản lý và tăng cường phân cấp trong tổ chức thực hiện. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉnh sửa một số nội dung về các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Đối với nội dung về quản lý cấp phép xây dựng ở nông thôn, vùng ngoại thị và một số vùng khác để phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế phát triển, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung, chỉnh lý phù hợp trong dự thảo Luật.