Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc mức đầu tư tối thiểu dự án PPP là 200 tỷ đồng

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 11/11, qua thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn.

Các đại biểu cho rằng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là hình thức hiệu quả để tranh thủ nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc ban hành Luật là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù này, phản ánh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư, giữa Nhà nước và tư nhân.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh. TTXVN

Phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm: Trong một số lĩnh vực, không cần thiết phải đầu tư công thì vai trò của Nhà nước nên được hạ thấp để đề cao vai trò của tư nhân. Việc ban hành Luật PPP để kêu gọi nhiều nguồn lực phát triển được Thủ tướng khẳng định là một hướng đi hết sức cần thiết và là kết quả của quá trình thay đổi tư duy của Đảng, Nhà nước. 

Thủ tướng cũng nhận định, nguồn lực trong nhân dân rất lớn, nhưng nếu không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư. Do đó, Luật PPP ra đời là đòi hỏi cấp bách.

Thủ tướng nêu, theo quy luật kinh tế, khi đầu tư theo hình thức công - tư thì cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân đều có lợi. Việc bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư tư nhân để họ yên lòng là rất quan trọng. Dự thảo luật chỉ nên quy định những nguyên tắc quan trọng để nhà đầu tư yên tâm, còn lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm sự linh hoạt, thông thoáng trong thực hiện. Đồng thời đề nghị Quốc hội ưu tiên các chính sách thu hút dự án PPP cho những vùng xa xôi, khó khăn.

 

 Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội)
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) nhận định, hợp đồng đối tác công tư rất quan trọng, phải được quy định cụ thể trong luật với những điều khoản cơ bản, tránh tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Bên cạnh đó, cần làm rõ dự án có mục tiêu là gì, đóng góp công tư thế nào, đặc biệt phải có quy định đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch.
Về mức đầu tư tối thiểu dự án PPP, theo đại biểu, Dự Luật quy định mức 200 tỷ đồng. Dự án PPP gồm nhiều lĩnh vực nên phải phân ra, quy định mức tối thiểu cho từng lĩnh vực một.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị cân nhắc quy định quy mô mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng. Bởi lẽ, có lĩnh vực thì số tiền này là thấp, nhưng có lĩnh vực thì số tiền này là quá lớn, do đó nên ủy quyền cho Chính phủ quy định. Đại biểu đề nghị, không nên giới hạn lĩnh vực đầu theo phương thức PPP. Theo ông, nên bổ sung một số lĩnh vực khác cũng cần đầu theo phương thức PPP như khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), phải xác định rõ khi nào dự án cần đưa vào đầu tư PPP. “Có dự án chỉ dành cho đầu tư tư nhân nhưng nếu chuyển thành PPP thì Nhà nước lại gánh chịu rủi ro cho nhà đầu tư. Trường hợp các dự án chỉ đầu tư công nếu cứ đưa vào đầu tư PPP sau này sẽ dẫn tới rủi ro, phần gánh chịu của xã hội lớn hơn” - đại biểu phân tích.
Đồng thời cho rằng, Dự Luật mới quy định về vốn và nếu chỉ dựa vào vốn có thể chưa đạt được mục tiêu đề ra, vì mức 200 tỷ đồng chỉ phù hợp với một số lĩnh vực về hạ tầng giao thông, trong khi nhiều lĩnh vực khác đòi hỏi kinh nghiệm, năng lực của nhà đầu tư... Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần bổ sung các tiêu chí để xác định dự án nào cần kêu gọi đầu tư PPP chứ không chỉ đơn thuần dừng lại ở tiêu chí vốn.Bên cạnh đó, mức vốn cũng cần đa dạng hơn theo từng lĩnh vực. "Ngoài ra, nhà đầu tư phải có đầy đủ thông tin để lựa chọn và cân nhắc kỹ có nên tham gia hay có phù hợp với năng lực không. Vì vậy, cần đưa ra thiết kế dự án chi tiết, chính xác” - đại biểu nhấn mạnh và cho rằng Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thiết kế, thẩm định các dự án.
 Toàn cảnh phiên họp ngày 11/11. Ảnh:Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn TP Hồ Chí Minh) góp ý, việc giao Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tiễn để quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP thì phù hợp hơn. “Trước đây 1 tỷ đồng mua được một căn hộ, nhưng bây giờ cần số tiền nhiều hơn. Dự án Luật quy định 200 tỷ đồng là phù hợp với thời điểm hiện tại nhưng sau này sợ đồng tiền mất giá sẽ kéo theo nhiều thứ” – đại biểu Quốc lo ngại. Đồng thời nhấn mạnh, khi làm dự án PPP sẽ “động” tới đất đai, công ăn việc làm, cuộc sống của người dân nên trước khi kí hợp đồng cần lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị tác động. Những ý kiến này là một trong những yếu tố đưa vào hợp đồng hợp tác công tư để đảm bảo quyền lợi của người dân bị tác động.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần