Đại biểu Quốc hội đề nghị cần xác định rõ tiêu chí doanh nghiệp quy mô nhỏ được giảm thuế

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/6, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.

Đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như Tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần xác định đúng và trúng đối tượng được giảm thuế.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) nêu quan điểm, theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, nước ta có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm hơn 93% và doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm gần 4%.
 
Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Văn Thân đề nghị, cần xác định rõ tiêu chí doanh nghiệp quy mô nhỏ được giảm thuế, bởi thực tế nhiều doanh nghiệp mặc dù có quy mô nhỏ nhưng doanh thu cao; trong khi nhiều doanh nghiệp lớn cũng lao đao dưới tác động của dịch bệnh nhưng lại không được hỗ trợ giảm thuế.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) cho rằng, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, không phải doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn mà có những doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận nêu ví dụ ở tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp kinh doanh về gạo và mì gói đều đắt khách, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Trong khi đó, ngành chế biến thủy, hải sản gặp nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành này đã dùng hết nguồn vốn để đầu tư các kho lạnh và hiện đang rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước.
Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị, cần tính toán lại nhằm bảo đảm chính sách áp dụng đúng đối tượng nào cần miễn giảm thì miễn giảm, đối tượng nào không bị ảnh hưởng nhiều thì nên tiết giảm để dành nguồn lực cho việc khác.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Hải Dương) cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung do tác động của đại dịch, tất cả các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đều cần được chia sẻ. Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về giảm số thuế phải nộp ở mức 30% và áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu kết hợp với tiêu chí về lao động để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, đại biểu Vũ Trọng Kim cũng đề xuất, có thể giảm thuế với tỷ lệ thấp hơn nhưng nên áp dụng hết cho mọi doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế bởi lẽ trong thời gian đại dịch vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong ngành hàng không, đường sắt, du lịch, vận tải… cũng bị tổn thất nặng nề.