Đại biểu Quốc hội đề nghị có “Ngày của Cha”

Bài, ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Tổ 1 - Đoàn ĐB Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, do Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc điều hành, ĐB Trần Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị có “Ngày của Cha” để tri ân nam giới.

Chiều 29/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về “Việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể” và “Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)”.
Đề xuất trả lương lũy tiến cho lao động làm thêm giờ
Liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, phát biểu tại Tổ ĐB Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, ĐB Ngọ Duy Hiểu đề xuất, hầu hết công chức tăng tuổi nghỉ hưu theo dự thảo. Phần lớn viên chức và những ngành đặc thù cũng tăng tuổi nghỉ hưu như: Giáo viên mầm non, tiểu học, người làm nghệ thuật, và một bộ phận người lao động. Vì hầu hết người lao động chân tay không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Đồng ý phương án 1 nhưng mong muốn có thiết kế phương án cụ thể để người lao động dễ tiếp cận.
 ĐB Quốc hội Ngọ Duy Hiểu phát biểu.
Về tăng giờ làm thêm, ĐB Ngọ Duy Hiểu đồng ý tăng khung tối đa lên 400 giờ. Bởi, thực tế người lao động lương rất thấp, nếu không tăng giờ làm thì không đủ trang trải. Mặt khác, hiện ở rất nhiều DN, có những công nhân, người lao động đang làm thêm đến 500 thậm chí 600 giờ.
“Tôi đề xuất trường hợp người lao động làm thêm giờ cần xây dựng phương án trả lương lũy tiến. Chẳng hạn, giờ thứ nhất 5 USD thì giờ thứ 2 phải 6USD hoặc 7 USD để bù đắp chi phí tái sản xuất sức lao động và nguy cơ tai nạn lao động do làm thêm giờ. Điều này đã được Bộ LĐTB&XH nghiên cứu và công bố. Mặt khác, vì làm thêm giờ, người lao động sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc gia đình; nhiều thanh niên trên 30 tuổi vẫn chưa xây dựng gia đình”, ĐB đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng đề xuất nghiên cứu mỗi năm nhà nước cho phép người lao động được nghỉ 1 đến 2 ngày để học tập kiến thức về pháp luật lao động. Nhờ đó, hài hòa quan hệ với người sử dụng lao động. Mặt khác, quy định gia hạn hợp đồng lao động đối với phụ nữ đang mang thai hoặc con nhỏ dưới 12 tháng được kéo dài hợp đồng lao động. Đây là trách nhiệm, sự chia sẻ của DN vì sự tiến bộ, phát triển của phụ nữ và thế hệ trẻ.
Liên quan đến việc tăng giờ làm thêm, ĐB Lê Quân Theo nói: Quy định hiện hành, việc mở rộng giờ làm thêm tối đa lên 200 giờ, một số ngành nghề có thể tối đa lên tới 300 giờ, và không quá 4 giờ 1 ngày. Trong Dự thảo Bộ Luật lao động cho phép tăng giờ làm thêm tối đa lên 300 giờ, một số ngành nghề đặc biệt lên tới 400 giờ là phù hợp.
“Tôi ủng hộ quy định này. Thực tế khảo sát và qua tiếp xúc cử tri nhận thấy, nhiều lao động mong muốn làm thêm giờ để có thêm thu nhập, vì tiền làm thêm giờ có thể lên tới 150% - 200% tiền lương”, ĐB nhấn mạnh.
Về việc tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Đào Tú Hoa cho rằng điều này là cần thiết. Bởi hiện nay, cả thể lực và trí tuệ của người Việt Nam ngày càng tốt lên. Rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lao động và đóng góp tích cực cho xã hội. ĐB đồng tình với phương án 1.
Tuy nhiên, ĐB Đào Tú Hoa cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định này với 1 số Luật, quy định hiện hành. Chẳng hạn, Nghị định 141 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học quy định tuổi nghỉ hưu kéo dài không quá 5 năm đối với tiến sĩ, không quá 7 năm với phó giáo sư và không quá 10 năm với giáo sư.
 ĐB Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Trần Thị Quốc Khánh đề nghị nội dung tuyển dụng đảm bảo tỷ lệ nhất định với người khuyết tật cần cụ thể là bao nhiêu % tránh đây sẽ là quy định chết.
Mặt khác, nữ ĐB Quốc hội đoàn Hà Nội đề xuất có thêm hợp đồng hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện đối tác công tư, sử dụng nguồn lực công để ký hợp đồng.
Về đào tạo nghề, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho biết: Nhiều nước trên thế giới, gần chúng ta có Singgapore, Thái Lan, Trung Quốc đã có quy định đào tạo nghề để người nghỉ hưu có thể chuyển sang lĩnh vực khác để tiếp cận nguồn thu nhập khác. Chúng ta cũng cần có quy định này để phù hợp với tính hội nhập và tạo tâm lý yên tâm cho người lao động.
Ngoài ra, ĐB còn đề nghị có “Ngày Nam giới” hoặc “Ngày Đàn ông” hay “Ngày của Cha” để tri ân nam giới.
Xem lại việc tăng tuổi nghỉ hưu
Tuy nhiên, bên cạnh việc nhiều ĐB bài tỏ đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu và tăng khung giờ làm thêm, ĐB Phạm Quang Thanh và ĐB Lưu Mai (đoàn Hà Nội) chưa đồng tình với những quy định trong Dự Luật.
 ĐB Quốc hội Phạm Quang Thanh phát biểu.
Về tăng tuổi nghỉ hưu, ĐB Phạm Quang Thanh cho rằng, cần có đánh gía khoa học, có tính thuyết phục tại sao lại tăng tuổi nghỉ hưu ở hai mức 60 tuổi và 62 tuổi mà không phải con số khác. Nếu Bộ LĐTB&XH có tính toán thì phải cung cấp cho ĐB Quốc hội.
“Đồng thời, tăng giờ làm thêm 100 giờ nữa, đồng nghĩa với việc giảm cơ hội việc làm của lao động mới. Rõ ràng, sử dụng lao động làm thêm giờ thì lợi hơn tuyển nhân sự mới. Mặt khác, việc tăng giờ làm thêm tới 100 giờ cũng khiến tốc độ đào thải người lao động nhanh hơn”, ĐB Phạm Quang Thanh nói.
Theo ĐB, liên quan đến khu vực công, có nơi thừa, nơi thiếu, đặc biệt là chúng ta đang tinh giảm bộ máy, cắt chi thường xuyên, việc có thể tăng giờ làm thêm tới 100 giờ ở khu vực công có thể gây phát sinh nhiều vấn đề.
Còn ĐB Lưu Mai cho rằng, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tăng tuổi nghỉ hưu là nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. “Vấn đề này đã được đề xuất nhiều lần. Nhưng, vấn đề ở góc độ tài chính nên xử lý theo phương pháp tài chính chứ không nâng tuổi nghỉ hưu. Trong khi tăng tuổi nghỉ hưu sẽ làm mất cơ hội việc làm của nhiều sinh viên”, nữ ĐB đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Về việc tăng giờ làm thêm, ĐB Lưu Mai cho rằng, cần tính toán, tại sao quy định 8 giờ 1 ngày, do có y tố khoa học liên quan đến sinh học, sức khỏe, năng suất lao động. Nếu tăng giờ làm thêm, liệu rằng số tiền bỏ ra để trả thù lao có tương xứng với năng suất và hiệu quả công việc hay không. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần