Đại biểu Quốc hội đề nghị phải giám sát, rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc tăng vốn điều lệ cho Agribank

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Tại buổi làm việc, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc tăng vốn điều lệ cho Agribank. Theo đại biểuTrần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), việc tăng vốn sẽ góp phần bảo đảm an toàn vốn cho ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động và bất thường thì việc tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của ngân hàng. Đồng thời, giúp ngân hàng thương mại tăng khả năng huy động vốn, từ đó mở rộng được tín dụng; đặc biệt tín dụng của Agribank thì 70% dành cho nông nghiệp, nông thôn thì đây là yếu tố để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển ngành nông nghiệp bền vững hơn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, chi bổ sung 3.500 không phải là chi tiêu dùng mà là khoản chi đầu tư và và đầu tư phải quan tâm đến yếu tố hiệu quả. Sau khi đọc báo cáo của kiểm toán về Agribank năm 2019 thì tổng tài sản của ngân hàng so với khi mới thành lập tăng 1.000 lần; lợi nhuận trước thuế trên 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế là hơn 11.048 tỷ đồng. Cho nên, "đầu tư vào đây sẽ hiệu quả và thu hồi vốn được" - Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
 Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) còn băn khoăn về nguồn tăng vốn và thời điểm tăng vốn. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019; mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề và dự đoán sẽ có diễn biến khó lường đến bối cảnh trong nước cũng như thế giới, cùng với đó, thu ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn thì việc dùng nguồn vốn này có hợp lý hay không? Thời điểm tăng vốn liệu có hợp lý khi hiện tại nền kinh tế còn găp nhiều khó khăn?" - Đại biểu Tạ Văn Hạ nói và đề nghị cần cân nhắc về nguồn tăng vốn để bảo đảm an toàn cân đối thu chi ngân sách của năm 2020.
Nhấn mạnh vấn đề ngân sách nhà nước phải được bảo đảm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) đề nghị phải có giám sát, có kiểm tra, nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc tăng vốn điều lệ, tránh tình trạng thất thoát tài sản nhà nước.
 Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn TP Hồ Chí Minh

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cũng trao đổi thêm về chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại. Đại biểu cho biết trong hệ thống tổ chức tín dụng có 04 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước giữ vai trò chủ đạo là Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, trong đó chỉ riêng Agribank là 100% vốn nhà nước. Hiện nay cả 04 ngân hàng này đều đối mặt với áp lực bảo đảm tỉ lệ an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II. Trong số 04 ngân hàng này chỉ có Agriabank được xem xét theo hướng bổ sung vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước còn các ngân hàng còn lại được xem xét tăng tỉ lệ lợi nhuận để lại để tăng vốn hoặc huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư bên ngoài.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về mặt chính sách cần khẳng định rõ tại thời điểm hiện nay mới chỉ xem xét bổ sung vốn điều lệ cụ thể cho một ngân hàng thương mại cụ thể và đây không phải là việc thay đổi chính sách theo hướng dùng ngân sách nhà nước để bổ sung vốn cho ngân hàng thương mại nhà nước.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị thời gian tới khi tổng kết thực hiện Nghị quyết 25/2016/QH14 trong đó có quy định liên quan đến chính sách đối với các ngân hàng thương mại thì cũng cần tổng kết đánh giá toàn diện quy định không cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại. Từ đó có cơ sở để định hướng điều chỉnh chính sách phù hợp theo hướng vừa đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng vừa bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, không tạo áp lực cho ngân sách nhà nước.

 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn.Hà Nội)

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Công Hồng, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng cần có Nghị quyết riêng về nội dung này và không đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp để tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Cũng trong chiều 10/6, các đại biểu Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.
Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Đoàn ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ; miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, qua thảo luận Quốc hội nhất trí về sự cần thiết bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí đưa vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9 nội dung: nhất trí bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 là bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019, tương ứng với số lượng lợi nhuận sau thuế thực nộp của ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.