Đại biểu Quốc hội đề xuất bán đấu giá biển số xe đẹp

Hải Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là đề nghị của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) trong phiên thảo luận dự luật quản lý tài sản công ngày 29/5, tại hội trường Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn xung quanh nội dung này.

Theo đại biểu (ĐB) Cảnh, vì là tài sản công, nên biển số xe được xem là đẹp phải được số đông đồng ý khi chúng ta thực hiện việc khảo sát; từng nhóm số đẹp sẽ được phân ra để đấu giá hoặc định giá tùy thuộc vào hiệu quả đem lại cho ngân sách và tính khả thi trong thực hiện. Còn các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể, ví dụ 20 triệu cho một số theo yêu cầu, các số còn lại bấm ngẫu nhiên sẽ thực hiện như hiện nay là không thu tiền”, ông Cảnh đề xuất.
 Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định).
Minh chứng cho ý kiến của mình, ĐB Cảnh liệt kê, trong mỗi series số ví dụ từ 30A 000.01 đến 30A 999.99 có 99.999 số sẽ có trên 12.000 số đẹp, dự đoán có khoảng 61.500 chủ phương tiện yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt đối với cá nhân họ. Tổng số tiền thu được cho mỗi series 99.999 số là khoảng hơn 1.600 tỷ đồng. Với lượng ôtô bán ra năm 2016 là hơn 300.000 xe, trừ đi số xe công, thì trong năm 2016 chúng ta có thể thu gần 5.000 tỷ đồng. Nếu triển khai tương tự cho xe 2 bánh cũng thu số tiền không kém.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này. Ông Phương dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng “việc gì dù nhỏ mà có lợi cho dân cho nước thì phải làm, việc gì có hại cho dân cho nước thì nhỏ mấy cũng không làm”.
Do đó, vị ĐB cho rằng: “Việc kho số mà đưa ra đấu giá có lợi hàng nghìn tỷ đồng thì việc gì chúng ta không đưa vào. Còn việc sửa chữa, điều chỉnh như thế nào thì vấn đề hướng dẫn cụ thể ta sẽ làm được”. Tuy nhiên, theo ông, cái khó bây giờ là biển số gắn với xe thì dứt khoát khi bán xe, chủ xe có quyền bán cả biển số chứ không thể bán xe riêng, biển số riêng được vì số đấy gắn với xe. Hay như biển số nhà, tương tự cũng gắn với đất nên khi đấu giá, biển số có thể mua bán kèm được.
Trong khi đó, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) lại băn khoăn: "Những số đẹp như 'lộc, phát', 'tứ quý'… thì không nhiều, ai cũng muốn nhưng quan niệm thông thường của người dân chủ yếu là “được thì quý mà không được thì thôi, cũng chẳng sao”. Thế nên, vị đại biểu cho rằng, nếu đấu giá thì chỉ nên đấu giá số đẹp mà thôi. “Lập được gì có số liệu mấy nghìn tỷ đồng như vậy người dân nghe thấy, chúng ta bỏ lọt ra ngoài thì thiếu sót chúng ta quá”, ĐB tỉnh Ninh Bình chia sẻ.
Ông Bùi Văn Phương cũng nói thêm rằng, liên quan đến quyền tài sản, theo quy định tại Hiến pháp, nếu người sở hữu xe với biển số đẹp (như biển số tứ quý chẳng hạn) thì người sở hữu có quyền bán biển số khi không còn dùng nữa. "Lúc đó, quản lý Nhà nước về biển số xe này sẽ như thế nào?", ông Phương thắc mắc.
Hai là, hiện tại quản lý số nhà đang theo dãy bên chẵn, bên lẻ. Nếu coi đây là kho số để quản lý Nhà nước thì đến số 13 có người không thích, muốn đấu giá một số khác không nằm theo trật tự quản lý thì sẽ xử lý ra sao?
“Ở đây tôi đề nghị chúng ta hết sức cân nhắc điều này vì thực sự tâm lý cần số đẹp là có nhưng số đó là số ít, còn số người ta cần trong người nói là được thì cũng tốt, không được cũng không sao. Người bây giờ đăng ký xe bỏ tiền ra để mua lấy một số đẹp tôi nói thật với các đồng chí là sẽ không có. Luật chúng ta quy định thế này, sau này liên quan đến một loạt các luật khác, chúng ta sẽ quản lý rất khó khăn, mà chưa chắc chúng ta đã thu được gì”, ông Phương nêu quan điểm.
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đồng tình quan điểm với ĐB Bùi Văn Phương và dẫn lại thắc mắc của cử tri: "Số đẹp thì Nhà nước bán như thế còn số không đẹp công dân có quyền bỏ tiền ra từ chối để đảm bảo công bằng không? Ví dụ số 13 “ba chìm bảy nổi, liệu công dân có quyền từ chối?".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần