Đại biểu Quốc hội đề xuất thành lập cơ quan kiểm soát tài sản cán bộ công chức và chống tham nhũng

Lệ Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Vấn đề mở rộng phạm vi chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước và kiểm soát tài sản cán bộ, xử lý tài sản kê khai không trung thực là hai nội dung được nhiều ĐB Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Điều 59 dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đưa ra 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình một cách hợp lý là áp thuế suất 45%, hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch. Cả 2 phương án này đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan chức năng chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
Chính phủ lựa chọn phương án áp thuế 45%, xem tài sản này là khoản thu nhập vãng lai. Nếu xác định tài sản này bất hợp pháp, cơ quan chức năng sẽ thu nốt 55% còn lại.
Nhiều ĐB đánh giá cách xử lý này cơ bản phù hợp điều kiện, hoàn cảnh cụ thể hiện nay, thể hiện thái độ mạnh mẽ của Nhà nước với tài sản không rõ ràng khi người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan chức năng không có căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định pháp luật.
 ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình).
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, phương án áp thuế 45% đối với tài sản không kê khai trung thực, không giải trình hợp lý là chưa đúng với các quy định pháp luật hiện hành. Theo ông Phương, luật hình sự quy định hành vi trốn thuế từ 100 triệu sẽ bị xử lý hình sự. Trong các hình thức xử lý hành vi này chỉ có xử lý hình sự, cảnh cáo, buộc thôi việc, không có hình thức nộp thuế 45%.
ĐB đề nghị quy định chỉ xử lý tài sản khi luật này có thời hiệu, không thể hồi tố tài sản hình thành trước khi có luật.
Phát biểu tại phiên thảo luận về thẩm quyền kiểm soát tài sản, ĐB Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, phương án mà dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng nêu ra đều có những hạn chế.
ĐB Xuân cho rằng, sẽ phải chỉnh sửa một số luật liên quan nếu chọn phương án tích hợp thẩm quyền tập trung cơ quan thanh tra theo hướng: Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên. Thanh tra bộ hoặc đơn vị phụ trách tổ chức, cán bộ tại cơ quan Trung ương kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ tại bộ, cơ quan ngang bộ. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ cơ quan, tổ chức cấp tỉnh trở xuống.
Cũng theo ĐB đoàn Thanh Hóa, để giải quyết mối quan hệ với các cơ quan đặc thù như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, TAND Tối cao, VKSND Tối cao… cần cho phép lực lượng thanh tra Trung ương và địa phương kiểm soát tài sản cơ quan tư pháp, cơ quan dân cử.
 ĐB Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa).
“Phương án 2 phân quyền cho nhiều cơ quan, tổ chức như hiện nay phù hợp với cơ cấu bộ máy chính trị nhưng tính độc lập yếu, chịu sự chi phối của quan hệ hành chính nên việc kiểm soát tài sản dễ mang hình thức, không như kỳ vọng. Việc phải theo dõi biến động tài sản, thu thập của người có nghĩa vụ kê khai sẽ gây tốn kém, khó khả thi nếu nhiệm vụ này phân quyền cho các tổ chức chính trị”, ĐB Xuân chia sẻ.
Một phương án khác được ĐB Xuân nêu là: Có thể xem xét thành lập cơ quan độc lập chuyên trách. Điều này đảm bảo tính độc lập cần thiết, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan tổ chức, người có trách nhiệm từ đó hứa hẹn sự khách quan, minh bạch”.
Theo ĐB Xuân, trong bối cảnh tham nhũng được đánh giá là phức tạp, nghiêm trọng, Đảng và Nhà nước đang quyết tâm cao để tìm các giải pháp đột phá, vững chắc thì về lâu dài, phương án 3 cần xem xét, đánh giá tác động một cách đầy đủ.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Pha (đoàn Nam Định) cho rằng nên thành lập lực lượng kiểm soát tài sản, thu nhập độc lập để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Việc thành lập lực lượng chuyên trách không làm tăng biên chế bởi Thanh tra Chính phủ, VKSND Tối cao và Bộ Công an đều có lực lượng này. Chỉ cần lấy người từ 3 cơ quan có chức năng chống tham nhũng hiện nay để kế thừa kinh nghiệm và không làm tăng biên chế.
ĐB Pha dẫn chứng Bungari và Rumani thành lập 2 cơ quan kiểm soát tài sản cán bộ công chức và chống tham nhũng hoạt động rất hiệu quả. “Quốc hội nên thành lập cơ quan kiểm soát tài sản chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ĐB đoàn Nam Định nói.