Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội đề xuất kê khai tài sản nên tập trung vào vị trí có nguy cơ tham nhũng cao

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 31/5, tại tổ Hà Nội, thảo luận ở tổ về Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi được chỉnh lý, bổ sung, các ĐB bày tỏ quan điểm cần tránh phình bộ máy thanh tra khi thực hiện kiểm soát tài sản thu nhập...

 Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ Đại biểu Quốc hội Hà Nội về luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)

Cần bước đi thận trọng khi mở rộng diện kê khai
Đại biểu Đào Tú Hoa bày tỏ đồng tình với phương án 2 mà Chính phủ trình Quốc hội đối với việc kiểm soát tài sản thu nhập. Theo đại biểu, quy định như vậy phù hợp với cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước, không có tình trạng quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập và quan trọng không bị phình bộ máy thanh tra.

Lý giải về việc không chọn phương án 1, đại biểu cho rằng, sẽ bất cập và không khả thi. Bởi, khi giao cho một đầu mối sẽ dẫn đến quả tải và không hợp lý vì người có nghĩa vụ kê khai tại cơ quan đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ... lại do cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản thu nhập dẫn đến phình tổ chức bộ máy.

Về đối tượng kê khai tài sản thu nhập, đại biểu Đào Tú Hoa cho rằng đã mở rộng hơn so với quy định hiện hành nhưng lại tỏ ra băn khoăn. Theo đại biểu, với quy định hiện hành, thực tiễn kê khai còn hình thức, hiệu quả thấp do số lượng người kê khai lớn (hơn 1 triệu bản kê khai/năm). Việc kê khai xuất phát từ tinh thần tự giác của người kê khai còn nguồn lực kiểm soát không đáp ứng được. Từ đó, đại biểu này đề xuất nên thu hẹp đối tượng, tập trung vào vị trí có nguy cơ tham những cao. Còn nếu có mở rộng thì cần có lộ trình và bước đi thận trọng.

Tương tự, về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, đại biểu Đào Thanh Hải cho rằng, theo quy định luật hiện hành, bản kê khai, xác minh bản tự kê khai tài sản gần như được cơ quan, đơn vị bỏ ngỏ (trừ khi có đơn thư khiếu nại, tố giác). Vì vậy, nhất trí phương án 2 mà Chính phủ trình Quốc hội. Còn về hướng xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình hợp lý thì đại biểu Hải nhất trí với phương án 1. Bởi cho rằng đây là vấn đề mới đặt ra và đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu kỹ về quy định này, bảo đảm tính khả thi đưa vào, còn khó khả thi thì tạm thời dừng lại.
 Đại biểu Đào Thanh Hải phát biểu ý kiến

Về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước, đại biểu Đào Thanh Hải cho rằng, đây là điều hết sức cần thiết và tương thích với quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã đề cập đến hành vi tham nhũng tại khu vực ngoài Nhà nước). Tuy nhiên, theo đại biểu này, việc mở rộng đến đâu cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm tính khả thi vì mở rộng tràn lan sẽ khó kiểm soát và rộng sẽ loãng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu rà soát toàn bộ đối tượng mở rộng và nên tập trung vào đối tượng dễ phát sinh tham nhũng, khoanh diện lại cho hợp lý để đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Đối với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, theo đại biểu Đào Thanh Hải khi mở rộng sẽ dẫn đến khó thực hiện, không khả thi và mang tính hình thức khi tất cả cùng kê khai, sau đó không có khả năng kiểm soát được. Vì vậy, để bảo đảm tính hiệu quả thì không nên mở rộng một cách rộng quá như dự thảo mà nghiên cứu thu hẹp lại, tập trung vào đối tượng giữ vị trí quan trọng ở T.Ư, địa phương và ở lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

Đồng tình với quan điểm của hai đại biểu nói trên về thẩm quyền kiểm soát tài sản, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho biết cũng nghiêng về phương án 2. Theo đại biểu này, nếu giả sử chỉ giao cho cơ quan thanh tra thì sẽ phình bộ máy. Trong khi chúng ta đang thực hiện theo Nghị Quyết 39 của T.Ư về tinh giảm biên chế.

Về đối tượng kê khai tài sản thu nhập, đại biểu Nguyễn Hữu Chính bày tỏ, hiện dự thảo chỉ quy định là đối tượng trong Nhà nước mà chưa quy định ngoài Nhà nước. Vì vậy, đề nghị khi thảo luận cần mở rộng phạm vi điều chỉnh là việc kê khai tài sản cũng phải mở rộng ra cả đối tượng ngoài khu vực Nhà nước. Theo đó, việc công khai tài sản ngoài quy định chỉ ở cơ quan, tổ chức thì phải mở rộng cả ở nơi cư trú, thường xuyên cư trú để người sống xung quanh có thể kiểm soát được tài sản người phải kê khai mà không kê khai và có thể tố cáo hành vi gian lận.
 Đại biểu Đào Tú Hoa phát biểu ý kiến
Tránh hình thức

Đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc (Chủ tịch HĐND TP Hà Nội) bày tỏ tâm đắc với 2 điều mới về trách nhiệm người đứng đầu được quy định trong Dự thảo luật Phòng chống tham nhũng lần này. Theo ĐB, thực tiễn cho thấy Hà Nội rất coi trọng việc phòng chống tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, trở thành chương trình của cấp ủy. Trong chương trình đó, hàng tháng có giao ban, kiểm định lại và nêu rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng dầu. Người đứng đầu phải có giải pháp phòng sau đó mới chống nhưng luật chỉ quy định chống.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, các biện pháp ngăn ngừa cũng chưa được đề cập trong dự thảo. Để có biện pháp ngăn ngừa thì trước hết phải rà soát cơ chế chính sách có cơ hội tham nhũng. Thực tế, Hà Nội đã rà soát quy định, tiêu chuẩn về xe công vụ, lịch công tác của cán bộ lãnh đạo được công khai trên cổng thông tin điện tử để có tác dụng phòng ngừa, chống lãng phí. Đối với vai trò của MTTQ và quần chúng Nhân dân được quy định tại chương 7 chủ yếu là vận động mà vai trò giám sát rất mờ nhạt nên cần quy định rõ hơn. Từ thực tiễn của Hà Nội cho thấy, vai trò giám sát của MTTQ rất chặt chẽ.

Còn đối với việc có nên mở rộng đối tượng kê khai tài sản không? đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng quy định như hiện tại hợp lý và quan trọng là việc quản lý ra sao. Khi quy định cần tránh hình thức và nên thay đổi cách thức trong quản lý, giám sát. Thực tế, hiện nay Hà Nội đang có 34.500 người thuộc diện kê khai tài sản và việc kê khai được thực hiện qua 2 hình thức (niêm yết công khai tại cơ quan và tổ chức hội nghị cán bộ để thông báo). Cách làm này đang tạo ra hiệu quả bởi đã giao cho lãnh đạo cơ quan phải chịu trách nhiệm trong việc kê khai tài sản của cán bộ trong cơ quan.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần