Đại biểu Quốc hội: “Dọn tổ đón đại bàng” thì cũng nên “rắc thóc cho chào mào, chim sẻ”

Như Hương - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham gia thảo luận tại Hội trường Diên Hồng sáng 15/6, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Chính phủ, Thủ tướng trong phòng, chống dịch Covid-19 và những thành quả đầy tự hào, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, nhân dân và cử tri tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, Nhà nước.

Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, cùng với việc kiểm soát tốt dịch, chúng ta đã bước đầu thành công trong thực hiện mục tiêu kép: tái khởi động lại và khôi phục nền kinh tế. Cùng với nhiều văn bản chỉ đạo, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc với địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn sau đại dịch.
Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9.5 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” với 6 kết luận quan trọng; gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cùng gần 40 nghìn tỷ đồng tiền miễn giảm tiền điện, hỗ trợ viễn thông; chính sách miễn giảm một số nghĩa vụ thuế nộp ngân sách; một loạt các chính sách kịp thời của ngân hàng nhà nước như Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31.3.2020, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020,Thông báo số 130/TB-NHNN kết luận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước liên quan đến một số giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hoạt động tín dụng ngân hàng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cùng với các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước với các doanh nghiệp và sự hưởng ứng kịp thời của hệ thống các tổ chức tín dụng là những tác động cần thiết giúp cho các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, tại thời điểm hiện nay, cần ưu tiên cao cho việc khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, chúng ta cần tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với những sự ưu ái đó thì đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài.
Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép về xây dựng công trình. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí.
“Thiết nghĩ chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế”, đại biểu Bùi Thanh Tùng chia sẻ.
Đề cập một nội dung được các đại biểu quan tâm trong các phiên thảo luận vừa qua, đại biểu Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh, Quốc hội đã rất quan tâm và ủng hộ cao các tờ trình của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, về việc tăng vốn điều lệ cho ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Những quyết sách lớn này đã góp phần rất quan trọng vào hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Bên cạnh các chính sách mang tính chất hỗ trợ, cho không, thời gian qua, thông qua hệ thống ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và ngân hàng Chính sách xã hội, các khoản hỗ trợ tín dụng để tạo sinh kế cho người dân ngày càng phát huy hiệu quả, thiết thực rất cần được tăng cường và phát huy.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng kiến nghị với Chính phủ, khi xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách tín dụng xã hội, cần tính toán bố trí đủ nguồn lực, nguồn vốn cho ngân hàng Chính sách xã hội nhằm kịp thời triển khai thực hiện, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của chương trình; mở rộng đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho vay như học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đối tượng là hộ có mức sống trung bình, xem xét có chính sách ưu đãi tín dụng cho những người có thu nhập thấp đang được vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng thu nhập để ổn định cuộc sống, cho phép tiếp tục cho vay đối với hộ mới thoát nghèo khi hết thời gian quy định là 31/12/2020; đồng thời, cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung 31 luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thanh Tùng cũng cho biết, việc triển khai Luật Quy hoạch vẫn khá chậm và vướng mắc. Việc chậm điều chỉnh và xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng hay sự lúng túng trong việc tích hợp các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương, quy hoạch có tính chất gối đầu cho giai đoạn 2021 - 2025 khiến cho nhiều dự án đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu không thể triển khai theo kịp được với yêu cầu thực tiễn, ví dụ các dự án phát triển hạ tầng điện lực, du lịch; đồng thời, cũng gây vướng mắc, làm chậm các dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá những tồn tại, bất cập trong triển khai Luật Quy hoạch và chỉ đạo sớm có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh, xây dựng quy hoạch ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm tính đồng bộ, tạo điều kiện để chúng ta phát triển.