Đại biểu Quốc hội: Không dùng ngân sách xử lý nợ xấu

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị, không sử dụng ngân sách nhà nước, mà dùng nợ và tài sản của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các khoản nợ đó để xử lý nợ xấu.

Tại phiên thảo luận tại tổ đại biểu TP. HCM về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiều 26/5, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa bày tỏ đồng tình có Nghị quyết giải quyết nợ xấu, vì ảnh hưởng tiêu cực của nó với nền kinh tế, vì tính cấp bách của vấn đề. 
Ông cũng lưu ý, mục đích của Nghị quyết phải hướng đến lợi ích xã hội, lợi ích nhân dân; còn lợi ích hợp pháp của những cá nhân, tổ chức có liên quan thì đã có pháp luật hiện hành, QH không có trách nhiệm ra nghị quyết đặc thù để hỗ trợ những người đó, vì sẽ không công bằng, hợp lý. Đồng thời, tháo gỡ được khó khăn nợ xấu cũng sẽ tạo động lực phát triển.
 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Về phạm vi đối tượng áp dụng của Nghị quyết, theo đại biểu, chỉ những khoản nợ xấu nào đáp ứng mục đích nêu trên thì mới đưa vào Nghị quyết này, do đó trong Nghị quyết phải xác định rõ chủng loại, phạm vi, thời gian phát sinh của nợ xấu mà Nghị quyết này áp dụng, và thời hạn áp dụng.
Có đủ loại nợ xấu và do nhiều nguyên nhân (có nợ xấu hợp pháp, có nợ xấu không hợp pháp do tiêu cực hay tham nhũng của cán bộ ngân hàng), do đó việc xác định rõ loại nào (ngân hàng nào, khoản nợ nào) thuộc diện áp dụng của Nghị quyết này là hết sức cần thiết. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải trình ra Quốc hội, các chi tiết này để đưa vào Nghị quyết.
Đại biểu cũng lưu ý, Nghị quyết chỉ áp dụng để giải quyết việc thu hồi và xử lý nợ; không áp dụng để xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã vi phạm pháp luật và gây ra nợ xấu, vì đã có luật hiện hành để xử lý trách nhiệm, và phải xử theo luật hiện hành đó, nếu không thì không công bằng.
“Do vậy, Nghị quyết này cung cấp những giải pháp về pháp lý và kỹ thuật để xử lý nợ xấu, còn trách nhiệm của tổ chức và cá nhân về các khoản nợ đó thì giải quyết và xử lý theo pháp luật hiện hành”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.
Ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị, không sử dụng ngân sách nhà nước, mà dùng nợ và tài sản của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến các khoản nợ đó để xử lý nợ xấu. Ông cũng nói thêm, dù nói không sử dụng ngân sách, nhưng nhà nước vẫn tốn kém và thiệt hại nhiều trong việc xử lý nợ xấu vì cả bộ máy phải tham gia xử lý.
Quốc hội cần có nghị quyết riêng giao cho Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành song song và khẩn cấp về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu.
Quốc hội phải giám sát việc thi hành Nghị quyết như thế nào. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần soạn thảo Đề án chi tiết thực hiện Nghị quyết để các ủy ban của Quốc hội theo dõi, giám sát, và Quốc hội phải quy định về tính giải trình.
Đại biểu Ngô Minh Châu (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đề xuất việc xử lý nợ xấu chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định, đó là với khoản nợ từ 2016 trở về trước trong khoàng 5 năm và Nghị định cũng sẽ có hiệu lực trong khoảng 5 năm.
Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, đề nghị bổ sung nguyên tắc không xử lý nợ xấu bằng ngân sách và bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm trách nhiệm người/tổ chức gây ra nợ xấu.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn với tính khả thi của dự thảo Nghị quyết, nhất là quy định về việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Bởi ngay tài sản thế chấp cho các khoản nợ xấu liệu có còn hay không, giá trị thực sự còn bao nhiêu... là cả một vấn đề. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất khiến việc thu hồi nợ xấu rất khó khăn.
Bản thân các ngân hàng không xử lý được khoản nợ xấu này, giờ dự thảo Nghị quyết lại dùng từ mua bán nợ xấu theo giá thị trường thì khó khả thi bởi nếu làm được thì ngân hàng đã tự làm rồi.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan cần làm rõ khái niệm mua bán nợ xấu theo giá thị trường, ai định giá thị trường?...