Đại biểu Quốc hội lo "cán bộ thu mình" ảnh hưởng đến tiến độ sân bay Long Thành

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 31/10, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Vào thời điểm chuyển giao bộ máy quyền lực giữa 2 nhiệm kỳ, bộ máy công quyền dễ thu mình, đóng băng...".

Đại biểu lo cán bộ không dám nghĩ dám làm
Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết: “Tỉnh Đồng Nai đang đứng trước những trọng trách nặng nề để đảm bảo hoàn thành trách nhiệm liên quan đến đại dự án sân bay Long Thành.
Thời điểm này chưa hết nhiệm kỳ của Quốc hội và Chính phủ vào giữa năm 2021 lại là cao điểm của một nhiệm vụ vô cùng gian nan là giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư cho người dân vùng dự án.
“Vào thời điểm chuyển giao bộ máy quyền lực giữa hai nhiệm kỳ, thứ nhất là vào thời điểm tiền đại hội Đảng, bộ máy công quyền dễ rơi vào thời điểm đóng băng, bất động. Sự trì trệ bắt nguồn từ mục tiêu an toàn để giữ vững hay cải thiện vị thế trong bộ máy quyền lực, điều đó phương hại đối với những hoạt động chỉ đạo hay dịch vụ công liên quan đến dự án hay quyền lợi của người dân.", ông Dương Trung Quốc nói.

Đại biểu nhấn mạnh: “Với dự án lớn và phức tạp như sân bay Long Thành, nếu không khắc phục được hiện tượng đó, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cơ quan, đội ngũ lãnh đạo và đội ngũ thực hiện thì e rằng khó hoàn thành".

“Mong rằng Đảng hành động để phá đi cái dớp trong nhận thức xã hội về nguy cơ trì trệ trong thời điểm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ, cũng có nghĩa để Đồng Nai thực hiện trách nhiệm với dự án của đất nước”, ông Dương Trung Quốc nói.

Cơ sở hạ tầng, nhà ở tại đồng bằng Sông Cửu Long kém nhất

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) bày tỏ trăn trở khi cơ sở hạ tầng của đồng bằng Sông Cửu Long phát triển chậm trong khi đây là vùng đồng bằng châu thổ, vựa lúa lớn nhất cả nước. Theo đại biểu Bình, phần lớn các cảng biển ở đồng bằng sông Cửu Long là cảng quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ xếp dỡ hàng, thiếu các cảng cảng chuyên dùng cho container. Do đó, 70%-80% hàng hóa của khu vực phải dồn lên TP.HCM bằng đường bộ để xuất khẩu. Điều này tăng thêm chi phí, tạo áp lực lên TP.HCM.
Bên cạnh đó, vì nguồn lực hạn chế nên các tuyến dọc trục ngang và quốc lộ huyết mạch tại đồng bằng Sông Cửu Long chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Ông kiến nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm một số dự án cấp bách như Trung lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, sớm nâng cấp mở rộng các trục quốc lộ ngang để kết nối quốc lộ, cao tốc phía đông trong tương lai.
“Chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái nhất rất mâu thuẫn và nghịch lý. Là vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng cơ sở hạ tầng kém nhất, nhà ở tệ nhất”, đại biểu Bình phát biểu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần