Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Cơ chế phòng ngừa tham nhũng phải hữu hiệu hơn

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kê khai nhiều, nhưng xác minh phát hiện vi phạm ít, tham nhũng nhiều nhưng việc thu hồi tài sản chưa cao... thực tế buồn của công tác phòng chống tham nhũng đòi hỏi phải có những giải pháp hữu hiệu hơn để diệt “giặc nội xâm”.

Đó cũng chính là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh nội dung này.

Kê khai rồi, phải công khai

Ông đánh giá thế nào về báo cáo mới đây của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng khi năm 2016 có hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản, 77 người được xác minh, 3 trường hợp thiếu trung thực, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Bên cạnh đó, chỉ có 4 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật? Liệu báo cáo này đã phản ánh đúng thực tế?

- Theo đánh giá chung, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh cơ bản nhiều nội dung và vấn đề liên quan đến công tác này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về độ chân thực, chất lượng của các số liệu và nhận định. Ví dụ như cơ chế kê khai tài sản, tính trung thực trong kê khai tài sản; số vụ tham nhũng được phát hiện; số vụ tham nhũng được xử lý; mức độ quyết liệt trong phòng chống tham nhũng; vai trò của cơ quan phụ trách tham mưu về phòng chống tham nhũng… Rồi việc xác minh làm rõ các tài sản được kê khai và thực hiện công khai các bản kê khai tài sản để Nhân dân, cử tri giám sát, bởi nếu kê khai mà không công khai thì sẽ khó hiệu quả.

Hàng năm, cán bộ quản lý các cấp đều phải kê khai tài sản, tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng quá hình thức, bởi không ít người giàu, nhưng khối tài sản ấy lại được lý giải "từ nuôi lợn, bán chổi đót". Theo ông, việc kê khai phải thực hiện thế nào cho hiệu quả?

- Thực ra câu trả lời rất đơn giản: Thứ nhất, người có trách nhiệm kê khai phải trung thực, kê khai đúng quy định. Vấn đề thứ hai, cơ quan có trách nhiệm xác minh phải làm rõ việc kê khai đã thực hiện đúng quy định hay chưa, còn che giấu tài sản hay không. Thứ ba, công khai minh bạch thông tin kê khai tài sản theo quy định. Cuối cùng là xử lý nghiêm cá nhân vi phạm quy định về kê khai, xác minh, thực hiện công khai minh bạch tài sản.

Một số vụ việc được dư luận quan tâm gần đây về tài sản nhiều đến bất thường của cán bộ như vụ hotgirl Thanh Hóa hay Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái, nhưng đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Vậy vai trò kiểm tra, giám sát ở đâu khi mà sự việc vẫn đang "nóng" như vậy?

- Tôi thực sự không có câu trả lời và hiện cũng đang quan tâm nguyên nhân vì đâu mà việc đó chưa công bố kết quả. Câu trả lời thuộc cơ quan có trách nhiệm.

Có cơ chế để báo chí, người dân giám sát

Tham nhũng gây thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng như Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh hay vụ án Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn đang được xét xử, tuy nhiên tài sản thu hồi được rất ít. Theo ông, chúng ta phải làm gì để thu hồi tài sản tham nhũng?

- Tôi được biết Ban Nội chính T.Ư đã nghiên cứu một đề tài khoa học lớn phòng chống tham nhũng, trong đó có nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó dư luận đề cập là có việc tẩu tán tài sản khắp trong nước và ra nước ngoài. Hơn nữa, nhiều tài sản tham nhũng được sử dụng phung phí vào mục đích cá nhân. Tài sản gồm nhiều loại, trong đó có loại đã mất hoặc giảm giá trị so với thời điểm tham nhũng. Và thêm nữa, còn sự thiếu quyết liệt của các cơ quan, cán bộ công chức có trách nhiệm trong thu hồi tài sản tham nhũng. Nếu “xốc” lại được khâu này, chắc chắn kết quả đạt được cũng sẽ khả quan hơn.

Tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, dự kiến Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận. Trong đó quy định liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập cũng là vấn đề được quan tâm tại Dự Luật này, vậy quan điểm của ông về quy định này ra sao?

- Về tổng thể, đây là một đạo luật vô cùng quan trọng, vừa giúp Nhà nước quản lý tốt tài sản, ngân sách vốn đang khó khăn, eo hẹp và vừa tạo cơ chế làm trong sạch bộ máy, cán bộ, tạo niềm tin của Nhân dân, cử tri đối với Đảng, Nhà nước. Do đó, tôi cho rằng Dự Luật lần này cần thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, hạn chế và dần dần “miễn nhiễm” với tham nhũng, lãng phí; xây dựng cơ chế hữu hiệu phòng ngừa và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật nói chung, tham nhũng nói riêng. Luật cần nghiên cứu quy định đầy đủ đối tượng, hành vi tham nhũng trên các mặt của đời sống, quy định chặt chẽ hơn về kê khai, xác minh và nghĩa vụ giải trình tài sản, công khai tài sản. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người dân, các tổ chức xã hội, báo chí thực hiện quyền giám sát mạnh mẽ hơn nữa đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và có cơ chế xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng và kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời kết hợp giữa Luật này với các Luật Tố cáo, Luật Quản lý tài sản công, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Ngân sách, các luật về tổ chức, cán bộ - công chức, viên chức; Bộ luật hình sự và pháp luật tố tụng, thi hành án… Phải rà soát để quy định đầy đủ tạo điều kiện cho việc triển khai thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

1,1 triệu người kê khai, chỉ 3 thiếu trung thực

Theo báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng năm 2017 của Thanh tra Chính phủ, năm 2017, qua kiểm tra tại 3.622 cơ quan tổ chức đơn vị, thanh tra các cấp đã phát hiện 22 đơn vị có vi phạm về tham nhũng như: Còn tình trạng lạm dụng quy định về bí mật Nhà nước để không công khai những nội dung cần phải công khai, minh bạch hoặc thu hẹp đối tượng, hình thức công khai, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của người dân và DN.

Về minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, tỷ lệ kê khai và công khai đều trên 99,8%. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, qua việc xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền, phát hiện và xử lý 3 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cấp cao, ở các tỉnh Đồng Nai, Yên Bái.

Báo cáo cũng cho biết năm 2017, có 25 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật, trong đó nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang với 9 người, hay An Giang 4 người, Hậu Giang 3 người, Bộ Tài chính 2 người… Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng.
Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại trên 1.351 tỷ đồng, đã thu hồi, kê biên 158,8 tỷ đồng, 314.000 USD, 4 căn nhà, 1 căn hộ chung cư. Tổng Cục thi hành án dân sự đã thụ lý mới 128 vụ việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương đương với số tiền hơn 5.110 tỷ đồng, đã giải quyết xong 86 vụ việc, tương đương với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng.