Đại biểu Quốc hội nêu mảng tối của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội dành một ngày làm việc để tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tham gia buổi thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá, trong năm qua cùng sự quan tâm của các cấp các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em như quyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư. Các đối tượng xâm hại trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, vẫn còn một thực trạng nhức nhối diễn ra nghiêm trọng đó là tình hình xâm hại trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội không những ở vùng nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa mà ngay cả địa bàn kinh tế, xã hội đang phát triển cũng xảy ra.
 Quốc hội Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Những con số đau lòng sau đây cho thấy mảng tối của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là đáng báo động. Khi mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai. Qua thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa đầy đủ xử lý nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em. Công tác theo dõi thống kê chưa được đầy đủ, điều này phản ánh chưa đúng thực trạng trẻ em bị bạo hành và trách nhiệm của các ngành, các cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em không được quan tâm đúng mức.
Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%. Có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức viên chức người cao tuổi…
Nguyên nhân của tình trạng trên theo đại biểu Phạm Văn Hòa là: do tác động, mặt trái của kinh tế thị trường, sự sụt giảm nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân, tình trạng lạm dụng rượu, bia chất kích thích chưa được ngăn chặn hiệu quả, phim bạo lực, khiêu dâm, những thông tin độc hại trên trạng mạng xã hội, internet tràn lan cũng tác động rất tiêu cực cho trẻ em, biết độc hại mà vẫn có một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên hiếu kỳ, tìm hiểu, lâu dần bị tiêm nhiễm.
Nhiều bậc cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc, chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em về ý thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại. Mặt khác, khi trẻ em bị xâm hại, việc đưa trẻ đi giám định, hoặc đến cơ quan chức năng trình báo vụ việc chậm trễ và đưa trẻ đến cơ sở y tế khám sức khỏe khi bị xâm hại trước khi báo cho cơ quan chức năng biết vụ việc.
Thời gian dài nên làm thay đổi dấu vết bị xâm hại rất khó khăn cho công tác giám định, gây khó cho công tác tư pháp, trước hết là giám định vì khi có kết quả giám định mới xử lý được tội phạm. Cũng có nhiều trường hợp tự thỏa thuận bồi thường thiệt hại với nhau nên không cho trẻ đi giám định y khoa. Có trường hợp bị hăm dọa, khống chế, dụ dỗ vật chất.
Cá biệt có trường hợp lúc đầu trình báo với cơ quan công an, sau đó lại nộp đơn khiếu nại, tố cáo, không hợp tác với cơ quan điều tra vì nhiều lý do khác nhau. Có nhiều trường hợp xâm hại trẻ em chỉ có hai người không có chứng cứ cụ thể, nên cũng rất khó khăn xử lý đối tượng xâm hại và tiếp xúc với gia đình của nạn nhân.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức kỹ năng, có rất nhiều gia đình được hỏi chưa biết nội dung trẻ em, trẻ em chưa biết tuổi thiếu niên là bao nhiêu, nên tuyên truyền chính sách pháp luật ở cơ sở nơi nào cũng có vậy mà chưa được quan tâm. Điều này chứng tỏ công tác truyền thông chưa hiệu quả, thậm chí hiện nay trong chương trình thời sự 19 giờ, giờ vàng dành phải riêng cho chương trình quảng cáo, không có chương trình của thiếu nhi.
Công tác phát hiện, tố giác tội phạm thường là sự việc đã rồi, một số tội danh, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, nhiều khi không tương xứng với hành vi sai phạm. Sự gắn kết trong gia đình có hiện tượng lỏng lẻo, cha mẹ con cái ít gặp nhau chí ít chỉ được buổi tối, nhưng mỗi thành viên gia đình có chương trình riêng, thậm chí buổi tối bữa cơm gia đình không đủ các thành viên.
Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhiều trường hợp chưa hiệu quả, có hiện tượng phó mặc cho ngành thương binh xã hội và ngành giáo dục, mặc dù đã có quy định rõ ràng trong Luật Trẻ em cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp nhưng đa phần sự việc xảy ra là nhiệm vụ của cơ quan tư pháp, nhất là của công an.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không có sự phối hợp của các ngành thì một mình ngành công an không thể làm tốt được, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cũng không thể đứng ngoài cuộc.
Để hạn chế, kiểm soát tình hình xâm hại trẻ em trong thời gian tới đạt kết quả thiết thực, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị các cấp các ngành: Đẩy mạnh đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về xâm hại trẻ em và hậu quả của nó. Trong đó chú trọng lồng ghép nội dung truyền thông trong sinh hoạt của từng địa bàn, từng vùng, từng nơi, nông thôn, tổ dân phố, các phương tiện truyền thông, nhà trường hãy dành thời gian hợp lý để tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhất là kỹ năng phòng, chống xâm hại.
Đối với gia đình, cần trang bị cho các em biết cách thức phòng vệ những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Trẻ em nếu có sai phạm hãy nâng đỡ, thương yêu, giáo dục, không bạo hành trẻ… Đối với nhà trường phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức chuyên đề về sức khỏe sinh sản cho học sinh, thày cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, lo lắng, trầm cảm… đặc biệt tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương; hãy quan tâm chăm sóc, giáo dục, quản lý học sinh, tránh thói hư, tật xấu vi phạm pháp luật, trang mạng internet, trang mạng xã hội cũng cần được quan tâm đúng mức.
Cùng với đó, phải nâng cao hiệu quả công tác điều tra xét xử tội phạm xâm hại trẻ em, kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh. Vận động nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em. Đối với những người phạm tội cần phải xử lý nghiêm minh kịp thời, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm, dành khung hình phạt cao nhất cho kẻ phạm tội trên các hành vi xâm hại trẻ em…
Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị tổ chức chính trị xã hội cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp cần rõ ràng minh bạch. Quy định trách nhiệm xử lý phải gắn trách nhiệm cá nhân với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác phối hợp nếu không, công tác phòng, chống xâm hại trẻ em sẽ là hình thức, không cơ quan, tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm, đại biểu Phạm Văn Hòa khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần