Đại biểu Quốc hội: Ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được hình thành

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/3, thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) nhất trí cao với báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ và cũng đồng tình với các ý kiến đại biểu đã đánh giá về thành công xuất sắc của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình kiến nghị, công tác hoàn thiện pháp luật đã được quan tâm triển khai, nhưng vẫn còn tình trạng văn bản quy định chi tiết chậm ban hành khiến luật chậm đi vào cuộc sống.
Bên cạnh việc đối phó thành công Covid-19, cần có các giải pháp mạnh hơn để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Tuy đã được quan tâm, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được hình thành, chưa tạo ra được giá trị gia tăng cao, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
 Các đại biểu tham dự buổi thảo luận ngày 29/3. Ảnh: Quốc hội

Chính phủ đã tập trung xử lý 12 dự án tồn tại, yếu kém, đưa 3 dự án ra khỏi danh sách; đề nghị có các giải pháp xử lý hiệu quả hơn. Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Có giải pháp hiệu quả để thu hút các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đầu tư hạ tầng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong nhiệm kỳ tới để giảm chi phí logistics…
Thách thức lớn của đồng bằng sông Cửu Long là nguy cơ tụt hậu về kinh tế
Đại biểu Hồ Thanh Bình (Đoàn tỉnh An Giang) nhận định, cùng hệ thống chính trị, Chính phủ đã rất nỗ lực trong điều hành và đạt nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có thành tựu chống dịch. Tuy nhiên, sức khỏe của người dân còn phụ thuộc nhiều vào môi trường sống, an toàn thực phẩm… Do đó, đại biểu đề nghị kinh phí đầu tư cho sức khỏe người dân cần cân bằng giữa việc đầu tư cho hệ thống y tế và đầu tư, khuyến khích sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm an toàn môi trường không khí, đất…; tăng cường các chính sách phổ cập các kiến thức về sức khỏe cho người dân trong các vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông lâm sản…
Đại biểu Hồ Thanh Bình cũng nêu rõ, cử tri đồng bằng sông Cửu Long chân thành cảm ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã lắng nghe các kiến nghị của cử tri, ban hành nhiều chính sách. Tuy nhiên, thách thức lớn của đồng bằng sông Cửu Long là nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với cả nước, mặc dù vùng đang cơ hội thu hút các nhà đầu tư lớn.
Đại biểu Hồ Thanh Bình đề nghị cần quan tâm hơn đầu tư hạ tầng giao thông và cảng nước sâu để làm tiền đề thu hút đầu tư.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn tỉnh Kiên Giang) lưu ý 2 lĩnh vực cần khắc phục trong thời gian tới. Trước hết là công tác xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn những vấn đề cần khắc phục, nhất là việc xin bổ sung dự án luật rồi lại xin lùi, xin rút; việc chuẩn bị một số dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đánh giá, Chính phủ đã nhìn nhận đúng những hạn chế này, nhưng việc khắc phụ cần được quan tâm quan tâm hơn nữa. Bà Kim Bé cũng cũng đề nghị cần chú ý đến trách nhiệm của các cơ quan tham mưu trong việc xin lùi, xin rút các dự án luật, pháp lệnh. Đại biểu Kim Bé kiến nghị Quốc hội khóa XV cần quyết liệt thực hiện các giải pháp mà báo cáo nêu ra để khắc phục những bất cập trong lĩnh vực này.

Vấn đề thứ hai mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé quan tâm là phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long. Đại biểu bày tỏ chia sẻ, trân trọng với nỗi trăn trở của Thủ tướng Chính phủ khi thấy đồng bằng Sông Cửu Long vốn là vựa lúa, vựa cá tôm, vựa cây ăn trái của cả nước nhưng đến nay vẫn phát triển chưa xứng với tiềm năng. Do đó, đại biểu mong muốn trong nhiệm kỳ mới, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, đề ra những chiến lược và tạo cơ chế cho đồng bằng sông Cửu Long phát triển bứt phá và bền vững.

Công tác phát hiện, xử lý vi phạm về kinh tế chưa nghiêm
Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn tỉnh Bạc Liêu) khẳng định kết quả, hiệu quả hoạt động của Chủ tịch nước và của Chính phủ nhiệm kỳ qua là nhân tố quan trọng quyết định đến đất nước có được tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra nhiều con số ấn tượng, biết nói làm đậm nét thêm kết quả hiệu quả hoạt động nhiệm kỳ vừa qua.
Bên cạnh đó cử tri cũng đặt ra một số vấn đề còn băn khoăn. Thứ nhất là công tác phát hiện, xử lý vi phạm về kinh tế chưa nghiêm. Trách nhiệm sau kiểm toán kiểm tra giám sát chưa làm đến nơi đến chốn. Công tác quản lý kinh tế, tài chính nhiều mặt còn chưa tốt. Kỷ luật kỷ cương về tài chính chưa nghiêm. Đạo đức công vụ của một số cán bộ, công chức chưa thực sự nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thứ hai là lĩnh vực thu ngân sách nhà nước năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhưng vẫn đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra vấn đề càn làm rõ là mục tiêu thu ngân sách nhà nước đã sát với thực tế, đã triệt để chưa, đặc biệt là đến chính sách thuế.
Thứ ba là tinh thần sâu sát với thực tiễn, cơ sở trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ được thể hiện rất rõ trong nhiệm kỳ vừa qua nhưng hoạt động chỉ đạo, điều hành trong phát triển kinh tế-xã hội ở các cấp chính quyền địa phương vẫn còn vướng mắc, nhiều quy định, hành lang pháp lý còn chưa rõ ràng, chồng chéo. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn có những mặt hạn chế về năng lực, nghiệp vụ chuyên môn so với yêu cầu đặt ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần